Kho bạc Nhà nước lấy khách hàng làm trọng tâm để cải cách hành chính
Công chức KBNN Hà Nội thực hiện kiểm soát các thủ tục thanh toán vốn. Ảnh: Hạnh Thảo

Cải cách giúp giảm chi phí hoạt động

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang từng bước đổi mới các nội dung, hình thức thực hiện, đẩy mạnh CCHC trên nhiều lĩnh vực. Ngay từ đầu năm 2024, KBNN đã ban hành Kế hoạch CCHC và kiểm soát thủ tục hành chính trong toàn hệ thống KBNN, trong đó, phân công từng đơn vị các nhiệm vụ cụ thể và lộ trình chi tiết để thực hiện theo kế hoạch.

Dịch vụ công trực tuyến giúp thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách

KBNN đã tiếp tục vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng). Lượng hồ sơ chứng từ chi NSNN thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trên 95%, đáp ứng thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách tới các đối tượng thụ hưởng, các khoản chi an sinh xã hội, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

KBNN đã nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng rà soát, tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính hướng tới việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

KBNN cũng tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015...

Cùng với CCHC, hệ thống KBNN luôn quan tâm chú trọng đầu tư việc xây dựng hạ tầng CNTT là nền móng xuyên suốt của lộ trình phát triển. KBNN đã đẩy mạnh việc triển khai các dự án CNTT nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của KBNN. Đồng thời, toàn hệ thống đã tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Trong đó, trọng tâm là các dự án: Hoàn thiện Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng CNTT có liên quan, hình thành hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); xây dựng dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN, tiến tới thay thế lưu trữ hồ sơ giấy truyền thống hiện nay bằng lưu trữ kế toán điện tử, giúp giảm chi phí hoạt động của KBNN; nâng cấp các hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu liên thông nghiệp vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống KBNN đã triển khai thí điểm hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung, liên thông văn bản điện tử với các bộ, ban, ngành; thí điểm quy trình về kiểm soát, thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản và trao đổi thông tin Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trên cổng trao đổi dữ liệu. Đồng thời, KBNN đã tiếp tục mở rộng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách với các ngân hàng thương mại.

Với những nỗ lực thực hiện cải cách, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, toàn hệ thống KBNN đã nhận được sự đánh giá rất cao từ phía các đơn vị giao dịch. Chị Lê Thị Mai Hương - Kế toán trưởng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong quá trình giao dịch với KBNN Ninh Thuận, chị đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các công chức kho bạc. “Chúng tôi luôn nhận được sự hướng dẫn, giải đáp tận tình của công chức kho bạc, do đó, đơn vị chúng tôi đã hạn chế được rất nhiều những sai sót về hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn” - chị Hương chia sẻ.

Chị Phạm Thị Hưng - Phòng Tài chính Kế toán thuộc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, với những cải cách, đơn giản hóa thủ tục trong giao dịch, KBNN Phú Thọ đã tạo điều kiện rất nhiều cho đơn vị trong việc tiếp cận vốn để hoàn thành các dự án, công trình mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. “Đặc biệt với các giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN đã giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại nhưng công việc vẫn đảm bảo hoàn thành theo đúng yêu cầu và tiến độ thời gian” - chị Hưng nhấn mạnh.

Hướng tới nền hành chính phục vụ

Trước xu thế hướng tới nền hành chính phục vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm để cải cách, KBNN đang tiếp tục nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch thủ tục hành chính giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm khi lượng hồ sơ cần giải quyết nhiều và lượng vốn ngân sách cần thanh toán, giải ngân còn rất lớn, KBNN sẽ tiếp tục duy trì các hệ thống CNTT hoạt động ổn định, thông suốt và trên nền tảng ứng dụng CNTT, KBNN sẽ kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn để đưa nhanh nguồn vốn vào trong xã hội.

Về lâu dài, KBNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ theo hướng cải cách và nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là các đề án, chính sách thuộc Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm tiếp tục cải cách công tác quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.

Đồng thời, KBNN sẽ tập trung vào CCHC theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch thủ tục hành chính giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với đơn vị sử dụng NSNN song song với tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiểm soát rủi ro và kết hợp giám sát từ xa bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện đại hóa phương thức thu, chi ngân sách nhà nước

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải cách, hiện đại hoá phương thức thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) như: Trình Bộ Tài chính ban hành Công văn số 5196/BTC-KBNN ngày 21/5/2024 gửi các cơ quan, bộ, ngành, trung ương, địa phương và các ngân hàng thương mại về việc hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu khoản thu, đối soát, hoàn tiền trực tuyến các khoản thu nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công đã nộp vào NSNN; tiếp tục triển khai công tác hoàn trả phí, lệ phí điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hiện, KBNN đang thực hiện triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và cải cách mạnh mẽ hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) theo hướng minh bạch, chủ động, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, KBNN đã tham mưu, trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý NQNN. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo các thông tư hướng dẫn Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.

Ngoài ra, KBNN đã ban hành Quy trình thí điểm quản lý rủi ro đảo nợ trong hoạt động huy động vốn trái phiếu Chính phủ của KBNN (Quyết định số 609/QĐ-KBNN ngày 31/1/2024 của Tổng Giám đốc KBNN) và tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động nghiệp vụ quản lý NQNN.