Kho bạc Nhà nước: Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, chất lượng phục vụ nâng cao
Công chức KBNN Lạng Sơn giải đáp các vướng mắc đối với đơn vị sử dụng ngân sách. Ảnh: KBNN Lạng Sơn

Thí điểm thành công nhiều quy trình nghiệp vụ

Tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam lần thứ 7 năm 2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) được trao giải thưởng với giải pháp “Chuyển đổi số từ kho bạc giao dịch thủ công truyền thống sang kho bạc điện tử 100%, liên thông dữ liệu, liên thông nghiệp vụ”.

Để có được kết quả này, KBNN đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong các hoạt động nghiệp vụ giúp cho việc kiểm soát, thanh toán vốn ngân sách được nhanh chóng, kịp thời, đúng tiêu chuẩn định mức, đúng đối tượng thụ hưởng.

Đơn cử như trong tháng 1/2024, KBNN và VietinBank đã tiên phong thí điểm quy trình kiểm soát, thanh toán và chi trả cá nhân sử dụng bảng kê thanh toán điện tử cho các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) có tài khoản tại VietinBank. Với phương thức mới này, bảng kê thanh toán sẽ được KBNN chuyển đến VietinBank qua Cổng trao đổi dữ liệu điện tử, thay vì sử dụng bản giấy. Sau khi KBNN phê duyệt hồ sơ thanh toán, lệnh thanh toán và bảng kê điện tử được gửi tới ngân hàng chỉ sau vài phút và ngân hàng nhanh chóng thực hiện ghi có vào tài khoản của người nhận.

Hình thức bảng kê điện tử không chỉ nâng cao tốc độ xử lý mà còn đảm bảo an toàn, giữ gìn toàn vẹn dữ liệu trong suốt quá trình lưu chuyển hồ sơ. KBNN cho biết, qua kết quả thí điểm, chứng từ được chuyển nhận nhanh chóng, an toàn, chính xác, không những nâng cao uy tín của KBNN mà còn tạo tâm lý an tâm và phấn khởi cho các đơn vị tham gia.

Nhiều dự án, nhiệm vụ công nghệ thông tin có tác động lan tỏa lớn

Trên cơ sở Kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của KBNN nước giai đoạn 2021 - 2030, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 - 2025 gồm nhiều dự án, nhiệm vụ CNTT có tác động lan tỏa lớn, phục vụ lợi ích của các đơn vị sử dụng ngân sách, tăng năng suất lao động cho đội ngũ công chức KBNN.

Quy trình chi liên thông đầu tư được KBNN nghiên cứu thực hiện từ năm 2023. Đến tháng 9/2024, quy trình này được KBNN chính thức thí điểm tại Sở Giao dịch KBNN và 2 KBNN địa phương là Hà Nội và Hải Dương. Quy trình liên thông chi đầu tư được xây dựng đảm bảo các chứng từ chi trong phạm vi liên thông được hoàn thiện, phê duyệt và ký số duy nhất tại Hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua kho bạc (ĐTKB-GD), sau đó hệ thống tự đẩy các thông tin sang Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và Hệ thống thanh toán điện tử ngân hàng (TTĐT-NH) để thanh toán với ngân hàng thương mại. Đồng thời, đảm bảo tự động hóa tối đa các bước xử lý trên chương trình, nâng cao năng suất, chất lượng lao động cho đội ngũ công chức KBNN; chuẩn hóa dữ liệu của đơn vị SDNS khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên Hệ thống ĐTKB-GD.

Theo đánh giá từ KBNN, đây là bước tiến quan trọng trong việc cải thiện quy trình, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường uy tín của KBNN.

Đặc biệt, để cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính quốc gia, KBNN đã nghiên cứu và cho ra đời Chương trình thông tin chỉ đạo, điều hành (IOC). Chương trình được nâng cấp từ “Chương trình báo cáo nhanh số liệu thu, chi NSNN và huy động vốn hàng ngày” để thống kê và tổng hợp số liệu từ toàn bộ các hoạt động của KBNN thông qua ứng dụng di động.

Tại IOC, những thông tin quan trọng nhất được tổng hợp và trình bày đơn giản, dễ hiểu. Do đó, IOC được coi là công cụ quan trọng giúp các cấp lãnh đạo và công chức KBNN nắm bắt nhanh chóng, chính xác, từ đó ra quyết định hoặc tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính và Chính phủ. Chương trình được KBNN thí điểm từ tháng 8/2024 và hiện đang được KBNN nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung để áp dụng rộng rãi trong toàn hệ thống…

Tiếp tục hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ

Với sự tích cực trong ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt với việc hoàn thành triển khai hệ thống Tabmis, KBNN đã tiếp nhận vận hành một hệ thống thông tin hiện đại phục vụ công tác quản lý ngân sách ngành Tài chính, kết nối hệ thống KBNN, kết nối các cơ quan tài chính từ trung ương đến địa phương và các đơn vị bộ, ngành.

Hiện Tabmis đã hoàn thành “sứ mệnh” khi thay đổi hoàn toàn công tác kế toán kho bạc từ phương thức truyền thống thủ công sang phương thức điện tử. Từ nền tảng Tabmis, KBNN đã phát triển và từng bước trở thành KBNN điện tử như đúng tiêu chí đặt ra trong Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020.

Để tiến tới kho bạc số vào năm 2030 như kế hoạch đặt ra trong dự thảo Chiến lược Phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng được KBNN đặt ra trong năm 2025.

Theo đó, KBNN sẽ trình Bộ Tài chính phê duyệt và triển khai các dự án thành phần của Đề án nâng cấp hệ thống Tabmis và các hệ thống CNTT liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); xây dựng kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT của KBNN giai đoạn 2026 - 2030; triển khai diện rộng bài toán liên thông chi đầu tư xây dựng cơ bản; xây dựng chương trình lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN. Cùng với đó là nâng cấp và mở rộng một số chức năng hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN; thuê Trung tâm dữ liệu KBNN và thực hiện các dự án về an toàn bảo mật, quản trị hệ thống, đảm bảo kỹ thuật CNTT của KBNN… đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa nghiệp vụ của KBNN.

Thực hiện thành công Hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), từ kết quả tích cực của việc triển khai thí điểm Hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung, từ tháng 9/2024, Hệ thống này được KBNN chính thức triển khai diện rộng trong toàn hệ thống, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hoạt động của KBNN.

Thực hiện việc quản lý văn bản điều hành tập trung, các văn bản nội bộ KBNN được gửi và nhận nhanh chóng chỉ trong vài giây thông qua hệ thống CNTT, thay thế hoàn toàn văn bản giấy.

KBNN cho biết, Hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung của KBNN được kết nối với hệ thống quản lý văn bản của Bộ Tài chính và sẵn sàng liên thông với trục văn bản quốc gia, cũng như chuẩn bị cho việc lưu trữ điện tử trong tương lai. Hệ thống này không chỉ tiết kiệm thời gian gửi và nhận văn bản mà còn góp phần giảm đáng kể lượng văn phòng phẩm.

Xác định năm 2025 là năm quan trọng, khép lại giai đoạn phát triển 2021 - 2025, cũng là năm tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo, KBNN cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống. Nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, tiến tới thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Đặc biệt, KBNN tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của KBNN theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, KBNN tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Theo đó, KBNN sẽ tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa CNTT đã đặt ra trong toàn hệ thống.