![]() |
Các thành tựu từ khoa học – công nghệ góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá. Ảnh minh họa |
PV: Bộ Tài chính vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57/NQ-TW (Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Bộ Tài chính trong thực hiện Nghị quyết?
![]() |
TS. Nguyễn Văn Hiến: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là một nghị quyết quan trọng về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phản ánh chủ trương rất đúng, kịp thời của Đảng về vấn đề ứng dụng thành quả cách mạng 4.0 và xu thế về phát triển khoa học - công nghệ trên thế giới. Điều này đóng vai trò quyết định để Việt Nam có thể đảm bảo đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo ra năng suất lao động nhằm cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề tài chính quốc gia, Bộ Tài chính có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực tài chính để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống. Muốn thực hiện được các chương trình phát triển thì phải có tiền, để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo thì đầu tư nguồn lực tài chính là rất quan trọng.
Bố trí ít nhất 15% ngân sách chi cho khoa học - công nghệBộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định số 79/2021/NĐ-CP, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo hướng giảm tỷ lệ vay lại xuống mức thấp nhất, không yêu cầu bảo đảm tiền vay đối với các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ tài chính; bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học công nghệ phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược. |
Trong chương trình hành động, Bộ Tài chính có đưa ra 9 nhiệm vụ Bộ chủ trì theo chức năng quản lý nhà nước và 20 nhiệm vụ trong chức năng quản lý nội ngành. Riêng về nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính thì có thể nói, 9 nhiệm vụ mà Bộ đưa ra đã phản ánh khá đầy đủ những vấn đề cần phải xem xét, sửa đổi, cũng là các điểm nghẽn cần tháo gỡ trong lĩnh vực tài chính thì mới thực hiện được tốt Nghị quyết 57. Các nhiệm vụ này có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư tài chính, kể cả nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và nguồn tài chính khác cho các hoạt động phát triển khoa học - công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
PV: Ông ấn tượng với điều gì trong bản kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Tài chính?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Ở các góc độ khác nhau có thể nhìn nhận các nhiệm vụ này đều có những ấn tượng riêng. Đứng trên góc độ nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong thời gian vừa qua, tôi ấn tượng nhất với nhiệm vụ “rà soát để sửa đổi một số quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực”.
Bởi vì, thực tế quy định hiện hành về các luật thuế trên đang có những hạn chế nhất định đối với việc thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ cũng như việc khuyến khích thu hút các cá nhân tham gia các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoa học - công nghệ có rất nhiều rủi ro, nếu Nhà nước không có những cơ chế tài chính để hỗ trợ thì các doanh nghiệp sẽ rất ngần ngại đầu tư vào các hoạt động này. Ví dụ, muốn phát triển khoa học - công nghệ, rất cần nhập khẩu các trang thiết bị phục vụ cho khoa học - công nghệ và nếu được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp sẽ có động lực hơn trong việc đầu tư.
Do đó nếu rà soát, sửa đổi được một số điểm nghẽn, sẽ tác động và ảnh hưởng tích cực đến việc thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, thu hút được nhiều nhà khoa học, nhiều cá nhân tham gia vào hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PV: Liên hệ với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, ông đánh giá như thế nào về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Tài chính với việc hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế này?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Phát triển kinh tế tư nhân cần có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp. Dù vậy, xét trên bình diện chung, chương trình hành động của Bộ Tài chính để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cũng có tác động hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.
Cần phải thấy rằng, để kinh tế tư nhân phát triển thì không thể thiếu các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, mà khởi nghiệp phải gắn liền với đổi mới sáng tạo mới thành công được. Khởi nghiệp mà không có các hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ, không gắn với đổi mới sáng tạo thì khả năng thành công rất thấp. Muốn thành công, phải đẩy mạnh khoa học - công nghệ, nhưng đẩy mạnh hoạt động này lại có rất nhiều rủi ro, thách thức.
Thế nên, để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp chung của cả quốc gia, nhất là đối với các nhà đầu tư là nhà khoa học dám nghĩ dám làm cần phải có chính sách để hỗ trợ về mặt tài chính cho những hoạt động liên quan đến những hoạt động này. Chương trình của Bộ Tài chính đã đưa ra sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết được vấn đề đó, góp phần rất lớn vào việc tháo gỡ các nút thắt trong việc thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ đối với khu vực kinh tế tư nhân. Qua đó, sẽ thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn ngành Tài chínhKhuyến nghị cho việc thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, chương trình hành động cho thấy, khối lượng công việc rất lớn và nhiệm vụ cũng rất khó khăn, bởi liên quan đến nhiều bộ luật, nhiều quy định do nhiều bộ, ngành quản lý. Muốn thực hiện và đảm bảo được chất lượng của các nhiệm vụ này cũng như tiến độ để ra, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao của toàn bộ hệ thống ngành Tài chính. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách, sửa đổi bổ sung các luật cần phải có các đề án cụ thể, đặc biệt là khi triển khai thực hiện các đề án đó cần phải có khảo sát thực tế các vướng mắc của doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở khảo sát thực tế mới đánh giá được các hạn chế hiện nay của các chính sách cũng như các luật đang có những rào cản đến việc thúc đẩy áp dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ đó, mới đưa ra được các nghiên cứu, các nội dung sửa đổi phù hợp và sát với tình hình thực tế, tháo gỡ được các nút thắt về mặt tài chính trong việc thúc đẩy áp dụng khoa học - công nghệ. Cuối cùng, theo chuyên gia này, cần phải phổ biến, tuyên truyền kịp thời những chủ trương, chính sách đã sửa đổi, bổ sung thông thoáng, phù hợp với việc thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền như: truyền thông, hội thảo, diễn đàn... để các chính sách sớm đi vào cuộc sống. Thảo Miên |