Hải quan Hà Nam Ninh quan tâm đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho DN. 			              Ảnh: Việt Long

Hải quan Hà Nam Ninh quan tâm đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Ảnh: Việt Long

Phóng viên (PV) TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh Phạm Hồng Thanh xung quanh những bước khởi đầu của đơn vị.


- PV: Ông có thể đánh giá đôi nét về tiềm năng và thách thức đối với Cục Hải quan Hà Nam Ninh trong những ngày đầu thành lập?

- Ông Phạm Hồng Thanh: Cục Hải quan Hà Nam Ninh là cục hải quan tỉnh, thành phố thứ 35 được thành lập, quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Với lợi thế địa bàn 3 tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, số lượng doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) ổn định và có xu hướng tăng, tạo thuận lợi trong công tác thu ngân sách nhà nước.

Mặc dù cục đã đi vào hoạt động ổn định nhưng vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Cán bộ của cục còn ít (96 công chức và người lao động) chưa đủ chỉ tiêu biên chế, chủ yếu được điều chuyển từ các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan; một số khác từ ngoài ngành. Số lượng công việc nhiều, tạo ra sức ép cho cán bộ, công chức. Cán bộ lãnh đạo cấp phòng phải làm trực tiếp và phải kiêm nhiệm nhiều việc, dẫn tới chất lượng và tiến độ hoàn thành công việc đôi lúc chưa cao.

Ông Phạm Hồng Thanh
Ông Phạm Hồng Thanh

Về trang thiết bị phục vụ công tác, mặc dù đã được trang bị nhưng vẫn còn thiếu, hệ thống công nghệ thông tin còn hạn chế so với mặt chung của toàn ngành Hải quan..., gặp khó khăn trong thi hành công vụ.

- PV: Vượt qua thách thức ban đầu, đến nay đơn vị đã đạt được những kết quả gì góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như ngành Hải quan, thưa ông?

- Ông Phạm Hồng Thanh: Trong 1 năm qua, tập thể Đảng ủy và lãnh đạo, cán bộ công chức Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã luôn cố gắng, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho DN XNK theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ - CP và Nghị quyết 35/NQ - CP và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Đến nay, đơn vị đã xây dựng và trình Tổng cục Hải quan xem xét, phê duyệt ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Cục Hải quan Hà Nam Ninh giai đoạn 2016 - 2021.

Nhờ đẩy mạnh cải cách, hiện 100% các đơn vị trực thuộc cục đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử (khai và nộp hồ sơ hải quan thông qua hệ thống thông quan điện tử -VNACCS/VCIS); ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin, áp dụng quản lý rủi ro. Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với TTHC đã được triển khai tại cục và tất cả các chi cục trực thuộc. Thống kê đến 31/7/2017, đã có 1.823 hồ sơ được xử lý trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Cục cũng chủ động hỗ trợ DN trong quá trình XNK. Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức 3 cuộc hội nghị đối thoại DN; tuyên truyền phổ biến những quy định mới liên quan đến hoạt động XNK; kịp thời giải đáp vướng mắc phát sinh cho cộng đồng DN trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị đã triển khai các hình thức hỗ trợ như: Công khai địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của bộ phận nghiệp vụ giải quyết TTHC để DN và người dân liên lạc khi gửi, nhận hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tại các chi cục hải quan trực thuộc đã phân công cán bộ, công chức trực làm việc vào ngày thứ bảy, đảm bảo kịp thời thực hiện thủ tục hải quan trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan.

- PV: Để tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu của UBND 3 tỉnh và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đặt ra, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã có kế hoạch phát triển ra sao, thưa ông?

- Ông Phạm Hồng Thanh: Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn theo chương trình kế hoạch công tác trọng tâm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và của tỉnh ủy, UBND 3 tỉnh để đẩy mạnh phát triển hơn trong hoạt động XNK, góp phần tăng thu ngân sách.

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đơn vị tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn, hạn chế việc thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ công chức nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công việc, phục vụ tốt DN, đáp ứng việc hội nhập kinh tế trong giai đoạn mới.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Long - Hải Linh (thực hiện)