Ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030, TP. Điện Biên Phủ sẽ trở thành đô thị văn minh hiện đại, trung tâm phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch của cả tỉnh.
Tuy nhiên, đời sống, sản xuất, cảnh quan môi trường của thành phố lại chịu ảnh hưởng nhiều từ những rủi ro thiên tai ngày càng nhiều từ lưu vực sông Nậm Rốm.
Khởi động dự án thích ứng biến đổi khí hậu trị giá trên 981 tỷ đồng tại Điện Biên. Ảnh: AFD |
Tổng thiệt hại hàng năm do thiên tai gây ra lên tới 250 tỷ đồng (chiếm 2% GRDP của tỉnh). Theo kịch bản biến đổi khí hậu, ngoài nguy cơ mưa lớn, lũ quét, sạt lở, sạt lở đất, xói lở bờ sông, ngập úng và vào mùa khô sẽ là hạn hán thiếu nước. Với hiện trạng nhiều đoạn sông bị sạt lở, vùng hạ lưu bị ngập úng, lòng sông bị thu hẹp, dòng chảy không lưu thông và ô nhiễm nặng nề do tốc độ đô thị hoá, cùng các hoạt động sinh hoạt và sản xuất, các vấn đề về môi trường và nguy cơ thiên tai sẽ là mối đe doạ thường trực tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân TP. Điện Biên Phủ.
Theo ông Hervé Conan - Giám đốc AFD tại Việt Nam, với diễn biến ngày càng bất thường và tiêu cực của biến đổi khí hậu cùng đặc điểm phức tạp của sông Nậm Rốm (một nhánh của sông Mê Kông), mục tiêu cuối cùng của dự án là mang đến một giải pháp quản lý rủi ro tổng thể đa thiên tai, tiến tới phát triển bền vững cho TP. Điện Biên Phủ và lưu vực sông Nậm Rốm.
Để làm được điều này, ngoài các biện pháp công trình, một mặt cần nâng cao năng lực cho các cấp quản lý trong phòng ngừa và quản lý rủi ro lũ lụt với sự hỗ trợ của các công cụ ra quyết định, mặt khác công tác truyền thông cho người dân cần được tăng cường thông qua hợp phần tư vấn hỗ trợ kỹ thuật là những yếu tố then chốt dẫn đến thành công của dự án.
Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm” của tỉnh Điện Biên, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tại Quyết định 170/QĐ-TTg ngày 4/2/2021. Tổng vốn thực hiện dự án trên 981 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn vay ODA từ AFD là 665,5 tỷ đồng (24,65 triệu Euro); vốn đối ứng 275,028 tỷ đồng (10,19 triệu Euro) và vốn EU viện trợ không hoàn lại là 40,5 tỷ đồng (1,5 triệu Euro).
Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết sau khi hoàn thành đầy đủ các hạng mục dự án, dòng sông Nậm Rốm đoạn qua TP. Điện Biên Phủ sẽ trở thành đoạn sông đa chức năng, điều tiết lũ, thoát lũ, giảm ngập lụt cho thành phố, trữ nước, bảo vệ bờ chống xói lở, tạo cảnh quan. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lưu vực sông Nậm Rốm sẽ góp phần tăng cường khả năng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 18 nghìn ha, bổ sung nước mặt và nước ngầm, tăng khả năng cấp nước sinh hoạt với công suất 2.000 m3/ngày đêm cho người dân vùng lòng chảo và cấp nước công nghiệp cho các nhà máy trong khu vực.
Trong giai đoạn 2021-2028 từ nguồn vốn trên 981 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai 2 hợp phần thuộc dự án. Hợp phần 1 (hợp phần công trình) gồm: xây dựng kè chống sạt lở hai bờ sông Nậm Rốm có tổng chiều dài 14,7 km; mở rộng dòng chảy và nạo vét một số đoạn sông; xây dựng đập dâng. Hợp phần 2 (hợp phần phi công trình) gồm: tăng cường năng lực quản lý dự án, xây dựng, hoàn thiện hệ thống giám sát; tăng cường năng lực quản lý đa thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.. |