Đối với các quỹ phục vụ sản xuất, kinh doanh cần rà soát, điều chỉnh các nhiệm vụ chi của quỹ.

Đối với các quỹ phục vụ sản xuất, kinh doanh cần rà soát, điều chỉnh các nhiệm vụ chi của quỹ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật NSNN năm 2015, từ năm 2017 NSNN sẽ không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính này. Riêng đối với trường hợp các quỹ được hỗ trợ vốn điều lệ, phải phù hợp với khả năng của NSNN.


8 quỹ được cấp bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2017

Theo thống kê, hiện cả nước có 26 quỹ tài chính do các bộ, cơ quan trung ương thành lập hoặc được giao quản lý. Mục đích, tính chất và phạm vi hoạt động của các quỹ tài chính khá đa dạng, như: Thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trợ cấp xã hội; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo kỹ thuật; hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Bộ Tài chính cho biết, xét về quy mô, 26 quỹ tài chính trung ương chiếm trên 95% tổng nguồn vốn hoạt động các quỹ tài chính nhà nước (bao gồm cả các quỹ của địa phương), trong đó có 10 quỹ tài chính có vốn và nguồn thu, nhiệm vụ chi lớn; các quỹ còn lại có quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cơ bản các quỹ tài chính đều có quy định riêng về chế độ quản lý tài chính và hoạt động độc lập tương đối với NSNN. Theo chức năng, Bộ Tài chính đã ban hành hoặc phối hợp với các bộ có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn chế độ quản lý tài chính các quỹ này.

Trên thực tế, hiện có 8 quỹ được NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ với tổng số cấp ước đến hết năm 2017 khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Một số quỹ được NSNN cấp kinh phí trong quá trình hoạt động hàng năm. Đơn cử như NSNN cấp kinh phí cho Quỹ BHXH để chi lương hưu và trợ cấp BHXH cho các đối tượng được hưởng chế độ BHXH trước ngày 1/1/1995; Quỹ BHYT để đóng BHYT cho các đối tượng được NSNN đảm bảo 100% mức đóng và các đối tượng được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng BHYT; Quỹ BHTN để bảo đảm duy trì số dư hàng năm bằng hai lần tổng các khoản chi các chế độ BHTN và chi phí BHTN; Quỹ Bảo trì đường bộ để chi cho công tác quản lý bảo trì đường bộ…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2017, theo quy định của Luật NSNN năm 2015 thì NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được NSNN hỗ trợ vốn điều lệ thì phải phù hợp với khả năng của NSNN và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu và nhiệm vụ chi của NSNN.

Vì vậy, năm 2018 yêu cầu đặt ra đối với các quỹ tài chính là tiếp tục tập trung thực hiện rà soát, đánh giá hoạt động theo Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2017 về tăng cường công tác quản lý đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, từng bước cơ cấu lại các quỹ tài chính để đảm bảo không trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN theo quy định của Luật NSNN; nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao tính độc lập, bền vững của các quỹ tài chính...

Năm 2018, tổng thu của các quỹ tài chính dự kiến tăng 10,7%

Dự kiến tổng số thu năm 2018 của các quỹ tài chính gần 516 tỷ đồng, tăng 10,7% so ước thực hiện năm 2017. Trong tổng số thu dự kiến này, nhu cầu cấp và hỗ trợ từ NSNN khoảng 91,59 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so ước thực hiện năm 2017. Tổng số chi của các quỹ khoảng trên 417 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so ước thực hiện năm 2017. Chênh lệch thu - chi của các quỹ khoảng 98,6 nghìn tỷ đồng. Dự kiến số dư các quỹ đến hết năm 2018 khoảng 726,8 nghìn tỷ đồng.

Để tăng cường quản lý các quỹ tài chính, Bộ Tài chính đã đưa ra một số giải pháp cụ thể, trong đó đối với các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN thì phải xem xét thực hiện chuyển nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ vào NSNN. Trước mắt, cần rà soát, thay đổi phương thức quản lý đối với các quỹ đã thành lập, chuyển dần sang thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thay cho việc NSNN hỗ trợ trực tiếp phù hợp với quy định của Luật NSNN.

Giải pháp tiếp theo là nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ, đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, nâng cao tính độc lập và khả năng tự cân đối của quỹ, hạn chế bao cấp từ NSNN. Theo đó, đối với các quỹ phục vụ an sinh xã hội có phạm vi và quy mô hoạt động lớn như quỹ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia, thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia, cũng như tăng cường quản lý, đôn đốc, xử lý kịp thời các trường hợp chiếm dụng, trục lợi từ các chính sách hỗ trợ này.

Ngoài ra, để đảm bảo cân đối quỹ và phát triển bền vững quỹ, Bộ Tài chính cho rằng, cần rà soát, đánh giá tổng thể các chiến lược, chương trình, đề án liên quan; trên cơ sở đó lồng ghép các chính sách, loại bỏ các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả, đặc biệt là không nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm khi chưa cân đối được nguồn thực hiện… Đối với các quỹ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh như: Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia… cần tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động của quỹ, qua đó rà soát, điều chỉnh các nhiệm vụ chi của quỹ, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ của quỹ cho phù hợp với tình hình mới.

Đồng thời với các giải pháp trên, Bộ Tài chính kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các quỹ tài chính; thực hiện nghiêm chế độ công khai toàn diện, rộng rãi các hoạt động của các quỹ này; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

10 quỹ tài chính có vốn và nguồn thu, nhiệm vụ chi lớn gồm: Quỹ BHXH, Quỹ BHYT, Quỹ BHTN, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Tích lũy trả nợ, Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, Quỹ Bình ổn xăng dầu, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.


H.TR