Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu về dự báo diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2024.

PV: Thưa ông, TTCK trong nước đã trải qua gần hết năm 2023 với nhiều biến động. Ông có thể đánh giá khái lược về diễn biến của TTCK Việt Nam trong năm qua?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: TTCK năm qua đã trải qua những giao động lớn. Có những phiên giao dịch thị trường tăng điểm cao trong phiên, sau đó lại giảm hoặc tăng không đáng kể. Về nguyên nhân dẫn đến thị trường biến động mạnh, thị trường chứng khoán dao động thường bị tác động bởi những yếu tố mang tính chất nền tảng.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm. Tình hình của các doanh nghiệp, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường vàng, ngoại tệ và tiền gửi ngân hàng đều có sự biến động mạnh và có thể nói kinh tế Việt Nam đi vào chu kỳ tăng trưởng chậm. Trong tình hình như vậy TTCK cũng bị ảnh hưởng, TTCK là hàn thử biểu (phong vũ biểu) của nền kinh tế. Kinh tế mà không khởi sắc thì sẽ khó tạo ra sóng lớn trên TTCK.

Năm 2024 thị trường chứng khoán cũng được hưởng kết quả của chính sách tài chính, tiền tệ trong đó có vấn đề giảm lãi suất, chính sách của Chính phủ liên quan đến đầu tư. Điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán năm 2024?
TS Nguyễn Trí Hiếu

Thứ hai, kinh tế Việt Nam độ mở lớn. Độ mở đó mang đến những rủi ro, lệ thuộc vào kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng chậm. Các nước Mỹ, châu Âu để kiểm soát lạm phát đã phải tăng lãi suất, thực hiện chiến lược thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính của Việt Nam.

Ngoài ra, USD tăng giá khi lãi suất tại các quốc gia tăng, khi USD tăng đẩy giá trị của tiền đồng xuống (tỷ giá tăng). Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến TTCK và lượng tiền của nhà đầu tư ngoại rút ra khỏi Việt Nam tạo nên sự biến động cho TTCK.

PV: Năm qua, cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái tích cực góp phần thúc đẩy tháo gỡ những điểm vướng trong việc nâng hạng TTCK. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đó là điều tích cực. Chúng ta tìm cách cải tổ một số tiêu chí để trở thành thị trường cận biên đi vào thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đi vào thị trường mới nổi cần nhiều tiêu chí, đặc biệt là thành phần tham dự thị trường, "sức khỏe" của những công ty phát hành chứng khoán. Những tổ chức đánh giá họ không chỉ nhìn những quy định pháp luật mà còn dựa trên biến động thị trường, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán năm 2024?
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán năm 2024?. Ảnh: T.M

Năm 2024, tình hình sẽ khả quan hơn khi khả năng cao là FED có thể giữ nguyên lãi suất trước bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều này sẽ giúp bức tranh tín dụng khả quan hơn. Bên cạnh đó, thị trường cũng được hưởng kết quả của chính sách tài chính, tiền tệ trong đó có vấn đề giảm lãi suất, chính sách của Chính phủ liên quan đến đầu tư công kết quả sẽ thấy rõ hơn năm 2024, điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành.

PV: Việc được nâng hạng sẽ tạo ra thách thức và cơ hội như thế nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Khi được nâng hạng rủi ro sẽ giảm đi và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh tay để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư là mức độ rủi ro của thị trường và mức độ sinh lời của thị trường. Năm 2024 khi nền kinh tế được dự báo sáng hơn thì cả hai yếu tố này đều tích cực do đó sẽ thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của các kênh đầu tư trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, hầu như tất cả các kênh đầu tư đều có độ rủi ro lớn và vẫn còn nhiều biến động khó lường. Trong 5 kênh đầu tư hiện nay (chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm) thì chỉ có ngân hàng được coi là nơi cất trữ dòng tiền an toàn nhất. Trong khi đó, thị trường bất động sản để khôi phục phải vào nửa cuối của năm 2024 khi các dòng vốn, TTCK khả quan hơn, chính sách tiền tệ của các nước ổn định hơn, tạo ra tiền đề chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Về vàng thì khó dự đoán. Vàng không còn phù hợp để dồn tiền lướt sóng, trừ trường hợp nhà đầu tư có nhiều công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro. Còn ngoại tệ sẽ có sự ổn định hơn, sau năm 2023 tỷ giá tăng trên 8%, 2024 có thể ổn định hơn.

Lược qua tất cả các kênh đầu tư tôi cho rằng, để an toàn người ta vẫn lựa chọn việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Bởi dù lãi suất có giảm sâu đi chăng nữa thì việc bỏ tiền vào ngân hàng vẫn an toàn, không rủi ro như các kênh đầu tư khác, mà vẫn có lợi nhuận.

PV: Dự báo của ông về thị trường chứng khoán năm 2024?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng, năm 2024 TTCK sẽ có 3 kịch bản, TTCK sẽ khởi sắc và được vực dậy mạnh mẽ đó là kịch bản tốt nhất. Kịch bản bình thường là thị trường giao động ở mức 1.200 đến 1.300 điểm. Còn kịch bản xấu là thị trường vẫn ở dưới mức 1.200 điểm.

Với kịch bản tích cực thị trường vượt 1.300 điểm, tuy nhiên cũng cần cẩn thận bởi sang năm vẫn là năm còn chịu dư trấn của dịch Covid-19. Do đó tôi nghiêng kịch bản thị trường 1.200 - 1.300 điểm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi. Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).