Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ thuế và hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý nợ thuế.
Chấn chỉnh công tác thu hồi nợ
Với mục tiêu không để nợ thuế tăng cao, kịp thời thu các khoản thuế vào ngân sách nhà nước, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo 8 cục thuế là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc; đại diện một số vụ, đơn vị có liên quan thuộc Tổng cục Thuế.
Sau khi nghe các cục thuế, các đơn vị có liên quan thuộc Tổng cục Thuế báo cáo về tình hình thu hồi nợ thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố phải tổ chức chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm từng cấp, từng bộ phận cơ quan thuế trong việc quản lý nợ và cưỡng chế nợ, để nợ tăng cao, chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật về các biện pháp cưỡng chế nợ, không xử lý kịp thời nợ sai, nợ ảo; giao nhiệm vụ cụ thể, quy trách nhiệm đối với từng cán bộ, lãnh đạo phụ trách để tăng cường đôn đốc quản lý nợ thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định của Quy trình quản lý nợ, đúng bản chất khoản tiền thuế nợ; có kế hoạch đôn đốc, xử lý, cưỡng chế nợ và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, từng phòng chức năng, từng bộ phận, từng cán bộ tham gia công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
|
Thực hiện quyết liệt, ráo riết việc đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ cũ và hạn chế phát sinh nợ mới, giải quyết dứt điểm nợ chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý, không để nợ chờ xử lý kéo dài; các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phân loại nợ trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS).
Đối với 270 DN các cục thuế chưa cưỡng chế và 112 DN cưỡng chế tài khoản đã hết hiệu lực nhưng chưa thực hiện cưỡng chế hóa đơn, 391 DN chưa thực hiện công khai thông tin theo danh sách Tổng cục Thuế đã thông báo tại công văn số 2963/TCT-QLN ngày 1/7/2016, cục thuế các tỉnh, thành phố phải thực hiện đôn đốc, cưỡng chế nợ và công khai thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng.
Rà soát, đối chiếu số nợ thuế không để sai sót
Để tránh sai sót về thông tin DN nợ thuế, số tiền nợ thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, đối chiếu xác định số tiền thuế nợ của từng DN trước khi ban hành thông báo nợ thuế, cưỡng chế nợ và công khai thông tin nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng. “Trường hợp phát hiện có nợ sai, nợ ảo thì xử lý điều chỉnh kịp thời theo trình tự hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ. Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm cử cán bộ thuộc bộ phận kiểm tra thuế chủ trì, bộ phận kê khai, quản lý nợ phối hợp đến DN thực hiện đối chiếu, xác định chính xác nợ thuế và cập nhật đầy đủ kết quả đối chiếu vào ứng dụng TMS”, ông Nam chỉ đạo.
Bên cạnh việc rà soát, đối chiếu nợ thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo bộ phận kê khai thuế và tin học tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ dữ liệu kê khai thuế, chứng từ, biên lai nộp thuế của người nộp thuế, phát hiện ngay những trường hợp dữ liệu kê khai sai, nộp sai mục lục ngân sách, sai mã số thuế để điều chỉnh, xử lý kịp thời. Không để xảy ra tình trạng tiền thuế nợ tháng này đã rà soát, xử lý, điều chỉnh xong đến tháng sau lại phát sinh nợ sai mới.
Để công tác thu hồi nợ thuế của các địa phương thuận lợi, lãnh đạo Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Kê khai và Kế toán thuế hỗ trợ các cục thuế, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình các cục thuế rà soát, xử lý dữ liệu nợ thuế, giải quyết triệt để số tiền nợ thuế sai, ảo; kịp thời nghiên cứu, trình Tổng cục, trình Bộ Tài chính ban hành Quy trình nghiệp vụ, quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan thuế các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
PV