Quản lý tốt giá cả thị trường trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

Theo Cục Quản lý giá, đến thời điểm hiện nay, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã đảm bảo theo mục tiêu. Mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm, khả năng đứt gãy nguồn cung.

Kiểm soát lạm phát thấp là dấu ấn thành công năm 2021

Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là năm thứ 6 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công.

Đối với công tác quản lý, điều hành giá, theo Cục Quản lý giá, việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả, hướng đến mục tiêu hồi phục tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt.

Trong công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, các bộ, ngành đã chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đặt ra từ đầu năm.

Ví dụ như giá xăng dầu trong nước đã được điều hành theo giá thế giới (Platt’s Singapore), đồng thời kết hợp với việc sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá nên đã hạn chế được mức tăng giá cao tại một số thời điểm, đặc biệt trong các giai đoạn đầu quý IV khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục trên thị trường thế giới đã tạo áp lực rất lớn lên công tác điều hành giá trong nước.

Giá vật tư y tế phòng chống dịch bệnh được tăng cường công khai, minh bạch về thông tin; giá nhiều loại thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, dịch vụ xét nghiệm Covid-19 đã được công khai... trên trang điện tử của Bộ Y tế.

Một số mặt hàng như: điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ bưu chính viễn thông được giảm giá trong năm 2021 đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cùng với điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, công tác tổng hợp, phân tích diễn biến giá cả thị trường cũng được triển khai mạnh mẽ, qua đó, kịp thời nắm bắt được các yếu tố biến động của thị trường để có các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường phù hợp đối với các mặt hàng chịu sự tác động từ thị trường thế giới. Một số biến động bất thường của một số hàng hóa, dịch vụ xảy ra cục bộ trên một số địa bàn có diễn biến dịch phức tạp cũng được xử lý kịp thời.

Theo sát diễn biến giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu

Năm 2022, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Để hoàn thành mục tiêu trên, trong năm 2022, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo đó, Cục Quản lý giá tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra; song song đó tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau tết.

Trong quản lý, điều hành giá năm 2022, Cục Quản lý giá tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm bất ổn thị trường.

Năm 2022, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Để hoàn thành mục tiêu trên, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.