Tăng cường quản lý chất lượng lương thực nhập kho

Ngay sau khi hoàn thành kế hoạch thu mua, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình các đơn vị dự trữ quốc gia (DTQG) đã triển khai công tác quản lý chất lượng lương thực nhập kho DTQG. Theo đó, khâu kiểm tra chất lượng hàng trước nhập kho tại các cục dự trữ nhà nước (DTNN) được thực hiện chặt chẽ; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật viên và thủ kho trước vụ nhập; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện thiết bị, dụng cụ phục vụ phân tích chất lượng lương thực nhập kho.

Để quản lý tốt chất lượng lương thực nhập kho DTQG hơn nữa, Tổng cục DTNN vừa có Công văn số 732/TCDT-KHCNBQ gửi các cục DTNN khu vực để yêu cầu tăng cường công tác quản lý chất lượng lương thực nhập kho DTQG năm 2022.

Công tác kiểm tra chất lượng hàng dự trữ quốc gia được thực hiện chặt chẽ. Ảnh: Quốc Hùng
Công tác kiểm tra chất lượng hàng dự trữ quốc gia được thực hiện chặt chẽ. Ảnh: Quốc Hùng

Theo đó, Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng thóc, gạo nhập kho DTQG, bảo đảm tuân thủ quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG (QCVN 06: 2019/BTC), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc tẻ DTQG (QCVN 14: 2020/BTC), Quyết định số 591/QĐ-TCDT ngày 1/7/2015 và Công văn số 152/TCDT-KHCNBQ ngày 28/1/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị lập hồ sơ, tài liệu chất lượng lương thực nhập kho theo quy định tại Thông tư số 108/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 hướng dẫn kế toán DTQG, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG (QCVN 06: 2019/BTC), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc tẻ DTQG (QCVN 14: 2020/BTC) và hướng dẫn tại Công văn số 318/TCDT-KHCNBQ ngày 8/3/2022 về hướng dẫn ghi Phiếu kiểm tra chất lượng và Phiếu kiểm nghiệm chất lượng thóc, gạo DTQG.

Ngoài các nội dung trên, Tổng cục DTNN yêu cầu cục trưởng các cục DTNN khu vực chịu trách nhiệm toàn diện trước Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, trước pháp luật về số lượng và chất lượng hàng nhập vào kho DTQG.

Đổi mới, hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ

Với ngành DTQG, quản lý chất lượng hàng DTQG luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Do vậy, các cán bộ, công chức ngành Dự trữ nhất là công chức trực tiếp làm công tác bảo quản luôn chấp hành nghiêm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc, gạo DTQG nhập kho. Hàng năm, Tổng cục DTNN tổ chức phúc tra chất lượng lương thực nhập kho tại tất cả các cục DTNN khu vực, để đánh giá và chấn chỉnh kịp thời về chấp hành quản lý chất lượng lương thực nhập kho đồng thời lấy kết quả phúc tra làm cơ sở để đánh giá thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cán bộ, công chức liên quan là thủ kho, cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo đơn vị, từ đó đã có tác động tích cực đến công tác quản lý chất lượng.

Những năm gần đây, thiên tai mang tính cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn, cường độ mạnh hơn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong bối cảnh đó, ngành DTNN đã và đang từng bước đổi mới, hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ để đảm bảo quản lý tập trung thống nhất nguồn lực DTQG, hỗ trợ thông tin điều hành kịp thời trong mọi điều kiện, hoàn cảnh thiên tai cấp bách của đất nước.

Đặc biệt, nhận thức sâu sắc vai trò của công tác quản lý chất lượng hàng DTQG gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục DTNN đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ trong công tác quản lý hàng DTQG.

Cục trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng hàng nhập kho

Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa có Công văn số 732/TCDT-KHCNBQ gửi các cục Dự trữ Nhà nước khu vực để yêu cầu tăng cường công tác quản lý chất lượng lương thực nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022. Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu cục trưởng các cục Dự trữ Nhà nước khu vực chịu trách nhiệm toàn diện trước Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trước pháp luật về số lượng và chất lượng hàng nhập vào kho dự trữ quốc gia.

Theo đó, Tổng cục DTNN đã triển khai áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến vào thực tiễn quản lý. Đến nay, 100% số lương thực dự trữ đã được bảo quản theo công nghệ bảo quản kín với ưu điểm vượt trội như: Kéo dài được thời gian bảo quản, cải thiện điều kiện lao động, điều kiện môi trường, giảm chi phí bảo quản và đặc biệt giảm tỷ lệ hao hụt so với phương pháp bảo quản thoáng tự nhiên. Hàng hóa DTQG trong quá trình lưu kho đã được các đơn vị tuân thủ theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng hàng DTQG đã được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng ngay từ khi nhập kho. Trong quá trình bảo quản và khi xuất kho, hàng hóa luôn được kiểm tra sát sao, kịp thời xử lý những phát sinh trong quá trình bảo quản, đảm bảo chất lượng hàng hóa theo quy định...

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, hệ thống các văn bản được bổ sung ngày càng đầy đủ như: Thông tư số 130/2014/TT-BTC quy định về quản lý chất lượng hàng DTQG, Quyết định số 591/QĐ-TCDT về quy chế quản lý chất lượng hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc, gạo….

Trên cơ sở đánh giá đúng được hiện trạng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, trong những năm qua Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý chất lượng tại cơ sở.

Ngoài ra, hàng năm Tổng cục có kế hoạch mua sắm trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị đặc thù phục vụ cho nhiệm vụ nhập, xuất, bảo quản lương thực, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, phân tích chất lượng thóc, gạo nhập kho tại các chi cục DTNN.