Nhiều khoản thu, sắc thuế giảm

Báo cáo tại cuộc họp giao ban của Bộ Tài chính ngày 8/5, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, trong tháng 4/2023 (tính đến ngày 5/5/3023), số thu ngân sách nhà nước (NSNN) toàn ngành Thuế quản lý ước đạt trên 136.190 tỷ đồng, bằng 9,9% dự toán, bằng 82,3% (so sánh với cùng kỳ năm trước).

Với kết quả đạt được, đã nâng tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2023 toàn ngành Thuế quản lý ước đạt 578.030 tỷ đồng, bằng 42,1% dự toán pháp lệnh, tăng 0,7%.

Trong đó, tính đến hết tháng 4, thu từ dầu thô ước đạt 21.908 tỷ đồng, bằng 52,2% dự toán, bằng 90,4% cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 87 USD/thùng, bằng 124,3% giá dự toán, bằng 90,1% cùng kỳ; sản lượng ước đạt 2,825 triệu tấn, bằng 35,3% dự toán, bằng 95% so với sản lượng cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 538.437 tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán pháp lệnh, bằng 98% cùng kỳ.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, thu nội địa 4 tháng đầu năm 2023 đạt khá so với dự toán chủ yếu tăng từ chỉ tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu cổ tức và lợi nhuận chênh lệch. Cụ thể, 4 tháng thu thuế TNDN đạt 56,8% dự toán, tăng 15,2%; thu cổ tức và lợi nhuận chênh lệch đạt 57% dự toán, tăng 31,8%.

Lý giải nguyên nhân về hai chỉ tiêu tăng thu này, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, do thực hiện Nghị định 91/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổng số thuế TNDN đã tạm nộp, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm chậm nhất ngày cuối cùng vào tháng 1/2023. Theo đó, đã tác động số thuế nộp trong tháng 1/2023 tăng cao.

Đồng thời, thu chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước cũng phát sinh trên 20.000 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ chỉ phát sinh hơn 2.000 tỷ đồng; thu khác ngân sách phát sinh đột biến khoảng 6.200 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết, nếu loại trừ các khoản thu trên thì thu nội địa 4 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 88,7% cùng kỳ. Phần lớn các khoản thu, sắc thuế đều giảm.

Khai thác tối đa nguồn thu tiềm năng bù đắp số thu sụt giảm

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, nhìn tổng thể, tiến độ thu NSNN 4 tháng vẫn đảm bảo dự toán và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng đây vẫn là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. Đặc biệt là nếu loại trừ khoản thu phát sinh theo quý, thu theo quyết toán, khoản thu phát sinh đột biến cho thấy tiến độ các khoản thu ngân sách phát sinh khi khai nộp hàng tháng có dấu hiệu giảm nhanh qua từng tháng.

Đặc biệt, các khoản thu từ bất động sản, nhà đất, chứng khoán sụt giảm mạnh, thể hiện rõ ở một số khoản thu như: Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản chỉ bằng 41,9% (so với cùng kỳ); thu thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán chỉ bằng 50%; thu lệ phí trước bạ nhà đất chỉ bằng 51,8%;...

Bên cạnh đó, thu từ tiền sử dụng đất giảm sâu qua các tháng (bình quân quý IV/2022 thu đạt khoảng 15.600 tỷ đồng/tháng, trong khi bình quân 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng). Thu thuế GTGT chỉ bằng 91,3%, điều này cho thấy cầu tiêu dùng có dấu hiệu suy giảm. Thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chỉ bằng 91%, nguyên nhân chủ yếu do quý I/2023, khi Nghị định số 103/2021/NĐ-CP hết hiệu lực thực hiện, dẫn đến sản lượng ô tô tiêu thụ giảm đã tác động giảm thu thuế TTĐB (4 tháng đầu năm 2022 số thu đạt khoảng 13,8 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên 4 tháng đầu năm 2023 số thu chỉ đạt khoảng 9,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5%).

Tiến độ các khoản thu ngân sách giảm qua từng tháng

“Nếu loại trừ khoản thu phát sinh theo quý, thu theo quyết toán, khoản thu phát sinh đột biến cho thấy tiến độ các khoản thu ngân sách phát sinh khi khai nộp hàng tháng có dấu hiệu giảm nhanh qua từng tháng. Cụ thể, thu tháng 1 khoảng 95,4 ngàn tỷ đồng; tháng 2 khoảng 85,3 ngàn tỷ; đồng tháng 3 khoảng 85 ngàn tỷ đồng, tháng 4 khoảng 80 ngàn tỷ đồng” - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết.

Ghi nhận tiến độ thu tại các địa phương có số thu lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…, các chỉ tiêu đều có dấu hiệu sụt giảm mạnh.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh ước thực hiện được 170.021 tỷ đồng, đạt 36,2% dự toán, giảm 3,2% so với cùng kỳ; tại Đà Nẵng, thu được 6.118 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán, bằng 76,8% so với cùng kỳ; còn tại Hà Nội, lũy kế 4 tháng ước thu được 92.004 tỷ đồng, bằng 47,4% dự toán năm…

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, mới đây Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với cục thuế các địa phương để bàn các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế đẩy nhanh việc tham mưu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, TNDN, TNCN và tiền thuê đất, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả ngay sau khi Chính phủ ký ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, ngành Thuế cũng tăng cường việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn. Qua đó, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ, gian lận hoàn thuế nói riêng và về thuế nói chung, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trước tình hình nhiều nguồn thu sụt giảm, cục thuế sẽ phải tiếp tục quyết tâm cao độ triển khai đầy đủ, kịp thời các nhóm giải pháp đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua cũng như nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới… nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thu ngân sách được giao./.