Chú thích ảnh
Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 10/12/2021.

Các nhà kinh tế của Goldman, dẫn đầu là nhà kinh tế Jan Hatzius, nhận định khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là 35%. Giá hàng hóa tăng có thể cản trở chi tiêu tiêu dùng, khi các gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, buộc phải chi phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm và khí đốt. Số liệu của Morning Consult và Ipsos cho thấy lòng tin của người tiêu dùng đã giảm mạnh kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Giá thực phẩm và khí đốt tăng không phải là mối lo ngại duy nhất. Các điều kiện tài chính cũng bị thắt chặt, có thể khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận tiền mặt hơn. Những lo ngại ở châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ, thông qua các chuỗi cung ứng và các hoạt động toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine đang khiến nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn. Viện Tài chính Quốc tế nhận định nền kinh tế nước này sẽ giảm 15% trong năm nay, một cuộc suy thoái nghiêm trọng ở mức độ gấp đôi như những gì đã diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, do Nga là nước xuất khẩu lớn về dầu mỏ và khí đốt, cũng như các nông sản và vật liệu công nghiệp thiết yếu, những tác động từ một cuộc suy thoái và sự cô lập về kinh tế của nước này sẽ được thấy trên toàn cầu. Châu Âu, khu vực phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, sẽ chịu tác động mạnh nhất, nhưng giá năng lượng và lương thực tăng cũng gây ra những ảnh hưởng tại Mỹ./.