Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, phấn đấu đạt tăng trưởng 2023 cao nhất có thể
Xuất khẩu gạo thuận lợi ngay từ đầu năm và sẽ là "điểm sáng" trong năm 2023. Ảnh: TL

PV: Thưa ông, việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã qua hơn nửa chặng đường. Ông đánh giả thế nào về tình hình kinh tế những tháng đầu năm?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao và kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới. Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài.

Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả. Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập...

Một điều đáng quan ngại nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm sản lượng...

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, phấn đấu đạt tăng trưởng 2023 cao nhất có thể
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bởi thế, dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

PV: Trong bối cảnh như vậy, theo ông đâu là những điểm tích cực của bức tranh kinh tế 7 tháng vừa qua?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Mặc dù khó khăn như vậy nhưng chúng ta tiếp tục giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi nhiều nước vẫn phải đối phó với lạm phát cao thì chỉ số CPI bình quân 7 tháng của Việt Nam tăng 3,12% và đặc biệt là xu thế lạm phát giảm dần. Đây là thành công nhất trong những tháng đầu năm, là tín hiệu tốt để có thêm dư địa điều hành chính sách vĩ mô, tập trung nhiều hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng.

Điểm sáng đáng chú ý nữa là nhiều chỉ số, dù chưa như kỳ vọng, nhưng có xu thế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Các số liệu thống kê về GDP, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công... đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước...

Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD...

PV: Những kết quả này có được do nguyên nhân nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chính phủ cũng đã tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư..., bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong đó, có thể kể đến Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này đã tháo gỡ về mặt pháp lý, góp phần quan trọng ổn định niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp nhiều doanh nghiệp phát hành mới, đàm phán với nhà đầu tư kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển đổi khoản nợ sang tài sản khác.

Một số vướng mắc nhiều năm của dự án, doanh nghiệp bất động sản về cấp giấy chứng nhận, nộp tiền sử dụng đất, giao đất cũng được tháo gỡ.

Mới đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành để giảm mặt bằng lãi suất, điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối... Cùng với đó, trong bối cảnh dư địa chính sách còn lớn, khi lạm phát đang được kiểm soát tốt, Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nới lỏng hơn, mở rộng hơn với định hướng ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.

PV: Dù đã có những tín hiệu khả quan hơn, song ông cũng đánh giá việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm nay là rất thách thức. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này và những giải pháp nào cần thực hiện để đạt kế hoạch tăng trưởng năm 2023?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đúng là kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm còn cách xa so với mục tiêu 6,5% đề ra đầu năm. Nếu muốn đạt mức 6,5% cả năm thì quý III và quý IV phải tăng trưởng từ 8 - 9%, đây là một nhiệm vụ hết sức thách thức. Mặc dù vậy, mục tiêu của chúng ta là từ nay đến cuối năm phấn đấu để đạt kết quả tăng trưởng tốt nhất có thể.

Nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030 - 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài... rất cần ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách có tính đột phá, đặc thù, đặc biệt.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xây dựng kế hoạch để năm 2024 tăng tốc, bứt phá

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đây chính là năm cần tăng tốc bứt phá. Vì vậy, kế hoạch năm 2024 phải được xây dựng với yêu cầu, mục tiêu, định hướng và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.