Tăng trưởng cao từ nền kinh tế xanh

Dự báo quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ xanh đạt 10,3 nghìn tỷ USD vào năm 2050, tương đương với 5,2% GDP toàn cầu (theo giá năm 2020), với tốc độ tăng trưởng cao hơn các thị trường truyền thống.

Kinh tế xanh đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn
Năm 2030, nền kinh tế xanh được dự báo tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Ảnh: Minh họa.

Đến năm 2030, nền kinh tế xanh được dự báo tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu nếu các quốc gia có những chính sách phù hợp. Phần lớn cơ hội nằm ở các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh/sạch, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh theo các chuỗi cung ứng rộng lớn.

Những cam kết mạnh mẽ của các nước đồng thời mở ra cơ hội đón dòng tài chính xanh, tài chính khí hậu từ các quỹ/cơ chế hợp tác quốc tế bổ sung cho tăng trưởng xanh.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 10/2023, Quỹ Khí hậu xanh - quỹ toàn cầu lớn nhất hỗ trợ cho các mục tiêu khí hậu, đã nhận được cam kết đóng góp trị giá 9,3 tỷ USD của 25 nước trên thế giới để hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh - phát triển ít phát thải và nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.

Nhận thức được vai trò của chuyển đổi năng lượng sang các mô hình các-bon thấp, Nhóm Đối tác quốc tế (gồm nhiều nước phát triển) đã chung tay thiết lập liên minh cấp tài chính theo cơ chế JETP.

Quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ xanh có thể đạt 10,3 nghìn tỷ USD vào năm 2050

Dự báo quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ xanh đạt 10,3 nghìn tỷ USD vào năm 2050, tương đương với 5,2% GDP toàn cầu (theo giá năm 2020), với tốc độ tăng trưởng cao hơn các thị trường truyền thống.

Sau Nam Phi và Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận thành lập JETP thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, nhằm hỗ trợ tầm nhìn chuyển đổi năng lượng để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các-bon thấp.

Theo đó, các cơ hội kinh tế và xã hội từ quá trình chuyển đổi nhắm đến tạo việc làm có chất lượng, chuỗi giá trị địa phương và thu hút đầu tư tư nhân quy mô lớn từ trong nước và quốc tế. Theo tuyên bố được thông qua, sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam, dưới hình thức tài trợ chủ yếu là cho vay ưu đãi.

Trong đó, 7,7 tỷ USD huy động từ nguồn tài chính công, với điều kiện hấp dẫn hơn so với nguồn mà Việt Nam có thể huy động trên thị trường. Đồng thời, các đối tác sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam và Liên minh tài chính Glasgow huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,7 tỷ USD tài chính tư nhân.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xanh

Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Kinh tế xanh đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn
Ảnh: Minh họa.

Kinh tế xanh là mô hình phát triển kinh tế bền vững, giờ đây không chỉ hướng tới mục tiêu chính về môi trường, mà còn đảm bảo các mục tiêu kinh tế và xã hội.

Thực tế đã chứng minh việc áp dụng mô hình tăng trưởng xanh giúp hiện thực hóa mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm các nước phát triển đạt mục tiêu kép tuyệt đối với đóng góp hàng đầu từ tiến bộ công nghệ, sau đó đến cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế xanh hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã và đang triển khai và cụ thể hóa tăng trưởng xanh thông qua "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050".

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực nhất định. Tuy nhiên, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết và điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới.

Do đó, để có những góc nhìn đa chiều và tổng quát, việc nghiên cứu kinh nghiệm và thông lệ tốt của các quốc gia trên thế giới về xây dựng chiến lược dài hạn về tăng trưởng xanh, sẽ mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc học hỏi, áp dụng vào tình hình đặc điểm của nền kinh tế - xã hội Việt Nam một cách linh hoạt, hiệu quả và từ đó thực hiện tốt Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050./.

Thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch

Ngay từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg nêu ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là:

Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh.

Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.