Năm tháng qua đi, nhiều cây cầu mới khác đã được xây dựng trên địa bàn Thủ đô vượt qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nhưng cầu Thăng Long vẫn mang một vẻ đẹp riêng - là chiếc cầu của tình hữu nghị Việt – Xô. Cầu Thăng Long được đại diện lãnh đạo Việt Nam và Liên Xô ký “Biên bản xác nhận hoàn thành lắp dầm thép cầu chính và thông xe kỹ thuật” ngày 30/10/1983.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không được duy tu, bảo trì đúng cộng với việc quản lý, giám sát tải trọng xe qua cầu không tốt dẫn đến việc mặt cầu chính của đường ô tô trên cầu Thăng Long bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, tháng 9/2018, Bộ Giao thông - Vận tải có ý định mời các chuyên gia Nga sang khảo sát, tư vấn sửa chữa lại mặt cầu ô tô này. Đúng vào thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Ất - nguyên là Thư ký kiêm phiên dịch tiếng Nga cho Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô trong những năm tháng xây dựng cầu Thăng Long (hiện đang nghỉ hưu tại TP. Hồ Chí Minh) đã được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, mà trực tiếp là Tổng cục Đường bộ, mời ra Hà Nội để gặp gỡ các chuyên gia Nga và cung cấp cho một số thông tin kỹ thuật cần thiết trong quá trình xây dựng cầu Thăng Long năm xưa.

Ngay sau cuộc gặp gỡ ấy, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc, chuyện trò với ông Nguyễn Văn Ất trước khi ông trở lại TP. Hồ Chí Minh. Với tuổi ngoài 60, ông Nguyễn Văn Ất vẫn tỏ ra khá nhanh nhẹn và tác phong hoạt bát của một kỹ sư xây dựng đã được đào tạo tại Trường Đại học Xây dựng Kharkov (Ucraine) vào những năm 70 của thế kỷ trước. Cuộc trò chuyện cởi mở với ông Ất cho chúng tôi thấy ông là người có trí nhớ khá tốt về những sự kiện trong những năm tháng xây dựng cầu Thăng Long.

Theo ông Ất, cầu Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu duy nhất của Hà Nội có thời gian thi công lâu nhất, tới 11 năm. Ban đầu do Trung Quốc giúp xây dựng, tuy nhiên đến năm 1978, Trung Quốc đã cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở. Sau đó Liên Xô tiếp quản, viện trợ, khôi phục lại thi công từ tháng 6/1979 và cơ bản kết thúc vào năm 1985.

Trong thời gian Trung Quốc viện trợ (1974 - 1978) mới có 9 trụ chính giữa sông được thi công xong, 3 trụ đang thi công dở dang trong tổng số 14 trụ chính giữa sông và 2 mố. Đối với cầu dẫn đường sắt, mới thi công được 29 trụ ở phía bắc, 17 trụ ở phía nam trong tổng số 119 trụ của toàn bộ cầu dẫn đường sắt. Cầu chính hoàn toàn chưa có gì, cầu đường ô tô cũng chưa được thi công…

Giai đoạn Liên Xô viện trợ (1979 - 1985) cầu được xây dựng hoàn thành. Liên Xô nhận cung cấp viện trợ để xây dựng hoàn thành cầu Thăng Long dựa trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Liên Xô ký ngày 3/11/1978. Đây là công trình viện trợ không hoàn lại. Theo Hiệp định, phía Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các vật liệu xây dựng như: sắt thép, xi măng mác cao, dầm thép, máy móc thiết bị thi công, cử chuyên gia sang làm việc...

Việc giúp đỡ Việt Nam xây dựng cầu Thăng Long, phía Liên Xô giao cho Bộ Xây dựng các công trình giao thông Liên Xô (Mintransstroe), đầu mối trực tiếp thực hiện các đơn đặt hàng là Tổng công ty Xuất khẩu kỹ thuật giao thông (ZarubezTechnoTrans). Thiết kế do Viện Quốc gia Thiết kế giao thông cầu Liên Xô (Giprotransmost) thực hiện. Việc sản xuất các kết cấu thép cho cầu chính do Nhà máy sản xuất cấu kiện cầu Voronhez đảm nhận. Trong quá trình xây dựng, phía Liên Xô cung cấp cho công trình cầu 49 ngàn tấn sắt thép các loại, 26 ngàn tấn dầm cầu thép, gần 60 ngàn tấn xi măng mác cao và nhiều loại máy móc, thiết bị thi công như cần cẩu lắp ráp tải trọng lớn, hệ thống hàn tự động để hàn liên kết dầm thép, máy xúc, máy ủi, xe lu, canô, thiết bị thí nghiệm, kiểm định...

Vốn là thư ký kiêm phiên dịch tiếng Nga cho Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô trong những năm tháng xây dựng cầu Thăng Long nên ông Ất nhớ rất rõ các chuyên gia được cử sang Việt Nam chủ yếu là người của Liên hiệp Xí nghiệp xây dựng cầu số 5 (Trụ sở đặt tại thành phố Riga, Cộng hoà Latvia). Nhóm chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến cầu Thăng Long ngày 8/6/1979 gồm 5 người. Trong suốt quá trình xây dựng có sự tham gia của phía Liên Xô - từ tháng 6/1979 đến tháng 5/1985 - có tổng số 167 lượt chuyên gia Liên Xô sang làm việc.

Thời điểm cao nhất là năm 1983 khi công trường thi công dồn dập, trải dài và rộng với hơn 7.000 lao động Việt Nam thì số chuyên gia có mặt đông nhất cũng chỉ có 96 người. Sau giờ làm việc, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của chuyên gia Liên Xô cũng hòa đồng với mọi người. Mỗi dịp Quốc khánh của hai nước hay ngày lễ, Tết, các chuyên gia Liên Xô và các kỹ sư, công nhân Việt Nam vẫn cùng chung vui với nhau. Lúc đó, không còn khoảng cách, ranh giới của những người bạn ở hai đất nước cách xa nhau hàng nghìn cây số. Đặc biệt cần ghi nhận là trong quá trình xây dựng cầu Thăng Long ở giai đoạn 1979 - 1985, do được quản lý khá tốt, trên công trường không xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng nào và không có chuyên gia Liên Xô nào bị tai nạn lao động. Đây là việc rất khác so với giai đoạn 1974-1978.

Không giấu được niềm tự hào, ông Ất cho chúng tôi biết, tất cả các công việc, kể cả các hạng mục phức tạp, đòi hỏi tay nghề và công nghệ cao khi đó, như: hàn tự động các bản trực hướng, thi công kết dính và tạo nhám liên kết của mặt cầu thép đường ô tô… đều do công nhân Việt Nam thực hiện, các chuyên gia chủ yếu hướng dẫn, giám sát. Chính vì vậy mà trong nhiều lần tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đến thăm lúc công trình đang thi công, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại cầu Thăng Long E.V. Zelnin vẫn nói: “Cầu Thăng Long không phải là cây cầu của Liên Xô mà là công sức của chính các bạn Việt Nam”!

Nhân nói về chuyện các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đến thăm công trường xây dựng cầu Thăng Long ngày ấy, ông Ất mở cặp lấy cho tôi xem những bức ảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều vị lãnh đạo đến thăm công trình được ông giữ gìn cẩn thận. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện thú vị và đầy bất ngờ. Ví dụ như bức ảnh Chủ tịch Trường Chinh đến thăm, ông Ất kể: “Chủ tịch Trường Chinh là người rất cẩn thận. Trước khi lên thăm cầu và nói chuyện với chuyên gia Liên Xô, cụ cử 2 trợ lý lên từ hôm trước để kiểm tra trình độ tiếng Nga và khả năng phiên dịch của tôi. Kết quả là các trợ lý này “mết” luôn và gợi ý với tôi rất nghiêm chỉnh là nên chuyển về làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương. Tôi tế nhị từ chối vì không phải “chê” gì mà cái chính tôi biết là khó mà được cơ quan cho chuyển đi! Ngày ấy vấn đề chỗ “đến” cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn lại là có “đi” được không! Ai càng “được việc” càng khó “đi”! Thời chúng tôi không ít người đã nếm trải thực tế này và hẳn nhiều người vẫn chưa quên việc chuyển công tác ở thời kỳ đó vô cùng phức tạp thế nào vì còn liên quan đến hộ khẩu và sổ gạo”!

Trong số những bức ảnh ông Ất mở ra cho tôi xem, tôi thấy có một bức ảnh chụp 3 người khá đẹp và rất “báo chí” chứ không như những bức ảnh kỷ niệm. Tôi hỏi và được ông cho biết: Đây là bức ảnh mà khi đó nhiều người ở Xí nghiệp Liên hiệp cầu Thăng Long hay nói đùa là ảnh “Bộ ba Thăng Long”. Thời điểm chụp là vài ngày sau khi hợp long cầu hôm 18/10/1983 và chụp ngay dưới giàn dầm thép của cầu. Ngoài cùng bên phải là Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô E.V.Zelnin. Người đứng giữa là Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp cầu Thăng Long Hoàng Minh Chúc (sau này ông Hoàng Minh Chúc là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). “Ngoài cùng bên trái là tôi - Thư ký kiêm phiên dịch tiếng Nga cho Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô. Bức ảnh này đã được đăng trên các báo Izvestia (Tin tức) và Pravđa (Sự thật) của Liên Xô những ngày đầu tháng 11/1983. Ngoài ra bức ảnh còn được in ở trang 45, Sách học Tiếng Nga - tập 1 dành cho các trường đại học ở Việt Nam do Nhà xuất bản Tiếng Nga Maxcơva và Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam đồng ấn hành năm 1986” - ông Ất nói.

Vẫn là câu chuyện xung quanh những bức ảnh và tư liệu ngày xưa, ông Ất cho tôi xem một tờ giấy đã ngả màu được đánh máy bằng tiếng Nga có các chữ ký “tươi” ở bên dưới. Ông Ất dịch tiêu đề của văn bản cho tôi biết: “Đây là “Biên bản xác nhận hoàn thành lắp dầm thép cầu chính và cho phép thông xe kỹ thuật cầu Thăng Long”. Tờ biên bản được hai phía Liên Xô và Việt Nam ký ngày 30/10/1983 tại Hà Nội, trong đó có chữ ký “nháy” của tôi. Ngày đó ký “nháy” chưa phổ biến và bắt buộc như bây giờ đâu nhưng vì Biên bản này không có bản tiếng Việt do phía Liên Xô nói rằng trong đoàn của họ không ai biết tiếng Việt nên sẽ chỉ ký vào bản tiếng Nga. Về phía Việt Nam thì nhiều người biết tiếng Nga nên cũng đồng ý với đề xuất này của bạn nhưng các “sếp” yêu cầu tôi là Thư ký kiêm phiên dịch, lại là người cùng phía Liên Xô chấp bút, đánh máy và rà soát nên phải ký “nháy” vào Biên bản! Và thế là chữ ký “nháy” này đã được lưu lại cùng lịch sử cây cầu Thăng Long”.

- Xin hỏi ông là tại sao ông lại có bản gốc này? - Tôi tò mò ngắt lời ông Ất.

- À… là thế này! - ông Ất hóm hỉnh kể - Thực ra chỉ cần 2 bản để phía Liên Xô giữ 1 bản, phía Việt Nam giữ 1 bản, nhưng vì tôi là Thư ký nên đã cẩn thận làm thêm 1 bản nữa để dự phòng. Xong việc còn thừa 1 bản tôi cất đi. Đến hôm nay, tờ Biên bản này vừa đúng 35 năm rồi đấy! Trong 35 năm ấy tôi đã chuyển đổi nơi công tác, rồi chuyển nhà mấy lần nhưng vẫn giữ gìn nó rất cẩn thận!

Chia tay ông Ất cùng những ký ức của ông trong cuộc gặp gỡ trò chuyện này, mặc dù ông không nói ra nhưng tôi đã hiểu rằng, từ quá trình thi công cầu Thăng Long, một thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã được đào tạo, thử thách và trở thành lao động lành nghề, nắm vững kỹ thuật, xây dựng thêm nhiều cây cầu “100% nội địa hóa”, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông của đất nước. Hơn 30 năm khai thác, cầu Thăng Long đã góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía bắc với Thủ đô Hà Nội. Đến nay, mỗi khi đi qua cầu Thăng Long, nhiều người vẫn chú ý đến tấm biển biểu tượng hữu nghị Việt - Xô dựng ở ngay đầu cầu. Khí thế “Rồng bay” hòa quyện biểu tượng mang hình cánh buồm thể hiện tình hữu nghị mãi mãi vươn xa, bền vững./.

Một số hình ảnh về quá trình xây dựng cầu Thăng Long:

câu thang long
Biên bản xác nhận hoàn thành lắp dầm thép cầu chính và thông xe kỹ thuật cầu Thăng Long được hai phía Liên Xô và Việt Nam ký ngày 30/10/1983

THÙY DƯƠNG