phóng vien

Tác giải trong một lần tác nghiệp ở huyện miền núi Bình Liêu, Quảng Ninh

Gần 20 năm sống với nghề báo, với biết bao kỷ niệm vui buồn, cả những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn, nhưng đọng lại trong tôi ấn tượng nhất là những lần tác nghiệp điều tra theo thư bạn đọc.

Tôi còn nhớ những ngày đầu mới vào nghề, được lãnh đạo giao xuống địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội để điều tra về việc chính quyền địa phương bố trí khu tái định cư cho 17 hộ dân trong diện di dời. Vụ việc không có gì đáng nói nếu khu đất tái định cư không phải là một hồ nước mênh mông mà nhìn thôi đã thấy ngại, huống hồ lại là nơi để các hộ dân an cư.

Cảm thông với nỗi khó khăn mà người dân phải đối mặt, tôi đã thu thập thông tin và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ để có bài viết chân thực, khách quan. Sau khi báo ra, chính quyền địa phương đã có cách nhìn nhận khác và có quyết định hợp lòng dân hơn. Mấy ngày sau đó, những người dân nơi đây đã đến tận tòa soạn để cảm ơn, khiến chúng tôi thấy thật vui và hạnh phúc. Trước khi ra về, họ còn tặng cho tôi - tác giả bài báo một chiếc máy ghi âm - tài sản giá trị lúc bấy giờ, nhưng tôi đã nhận tấm lòng của họ thay vì chiếc máy ghi âm đó.

Có lăn xả với nghề mới biết, làm báo không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, nhất là khi đi điều tra. Có những vụ việc mà phóng viên phải dùng đến sự khôn khéo, tự tin thì quá trình tác nghiệp mới có kết quả. Tôi còn nhớ lần điều tra theo đơn thư bạn đọc tại một khu chung cư cao cấp ở Hà Nội đang có bất đồng quan điểm về các loại phí giữa người dân và chủ đầu tư cũng như quản trị tòa nhà. Những lần chúng tôi liên lạc để tác nghiệp đều bị chủ đầu tư từ chối hoặc tìm cách né tránh, thậm chí họ còn cho bảo vệ tòa nhà đuổi phóng viên, dọa nạt, thu máy ảnh… Vì vậy, để có được tư liệu cũng như ảnh minh họa cho bài báo, chúng tôi đã phải cải trang và giấu đồ nghề để lọt được vào bên trong gặp gỡ người dân, chụp ảnh viết bài nộp về cho tòa soạn.

Mới đây nhất là khi tôi nhận lệnh từ Tổng Biên tập để tìm hiểu viết bài về việc thực hiện thu hồi và cưỡng chế đất trụ sở Chi cục Thuế thành phố Hạ Long (Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh). Khi tôi tiếp cận hiện trường tác nghiệp, những đối tượng "đầu gấu" đã đi qua đi lại tỏ thái độ hằm hè ngăn cản những ai muốn tiếp cận hiện trường. Thấy tôi giơ máy ảnh lên, một tên tiến lại gần gằn giọng: "Muốn đập vỡ máy ảnh không, biến!". Sau đó chúng canh chừng không cho tôi có cơ hội được tác nghiệp, tôi đành đứng từ xa, room lại mới chụp được ảnh.

Cũng có những kỷ niệm mà giờ đây nhớ lại, tôi vẫn thấy lâng lâng một niềm vui khó tả. Đó là lần tôi viết bài về Khu kinh tế cảng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh những ngày đầu mới thành lập (ngày ấy nhiều người hoài nghi sự phát triển của Khu kinh tế cảng biển Vũng Áng) và thật bất ngờ, đúng vào dịp 21/6, tôi đã nhận được lá thư cảm ơn của Trưởng ban Khu kinh tế cảng biển Vũng Áng lúc đó gửi qua đường bưu điện về tòa soạn. Một món quà thật ý nghĩa trong ngày vui của các nhà báo. Đến nay, Khu kinh tế cảng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh đã phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều thành quả kinh tế cho tỉnh Hà Tĩnh. Lá thư cảm ơn của Trưởng ban Khu kinh tế cảng biển Vũng Áng gửi, tôi vẫn còn lưu giữ và xem đó là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo của mình.

Trong đời làm báo, còn biết bao kỷ niệm khó có thể kể hết. Những kỷ niệm nhỏ trên đây, tôi xin được chia sẻ để hòa trong niềm vui chung của đội ngũ những người làm báo, nhân dịp 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Huy Phong