Lan tỏa tinh thần tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Các đơn vị hải quan đóng tại địa phương cắt cử cán bộ công chức để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thành viên. Ảnh: Hà Thái

Hải quan “gánh” trách nhiệm nặng nề hơn

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (chương trình) đang thí điểm là chương trình đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi ngành Hải quan thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ, tạo thuận lợi để các DN phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng DN; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tổng cục Hải quan đã thành lập Nhóm chuyên trách tại 3 cấp đơn vị (tổng cục, cục, chi cục) gồm 123 thành viên mà đầu mối chủ trì là Cục Quản lý rủi ro, để đảm bảo việc tham mưu tổ chức triển khai và thực hiện các hoạt động hỗ trợ hiệu quả trong khuôn khổ chương trình.

Để đảm bảo mục tiêu chương trình đề ra trong giai đoạn thí điểm, đối tượng DN tham gia sẽ thuộc diện DN cần khuyến khích để duy trì hoặc nâng mức độ tuân thủ và được cơ quan hải quan tiến hành phân tích, rà soát, lựa chọn theo tiêu chí trong từng giai đoạn nhất định để lập danh sách mời tham gia, như: tiêu chí về loại hình hoạt động, số lượng tờ khai, kim ngạch, số thuế nộp ngân sách nhà nước…

Cách thức này giúp cơ quan hải quan chủ động trong việc tổ chức quản lý, điều phối chương trình phù hợp với nguồn lực thực hiện, đồng thời lại đảm bảo nâng cao mức độ tuân thủ của DN tham gia.

Trong giai đoạn thí điểm, cơ quan hải quan phân bổ DN tham gia chương trình tại các cục hải quan, để đảm bảo nguồn lực quản lý khi mời DN tham gia. Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng chia sẻ, khi Tổng cục Hải quan triển khai chương trình, đơn vị đã chủ động triển khai, nhất là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của cộng đồng DN để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Trên cơ sở đó, trước tiên Cục Hải quan Hải Phòng lựa chọn ký kết là đơn vị có quy mô tờ khai, kim ngạch, số nộp thuế lớn… Khi lựa chọn, ký kết với DN, cơ quan hải quan nhận phần trách nhiệm nặng nề hơn là phải tìm ra nhiều giải pháp để hỗ trợ hiệu quả nhất cho DN nắm bắt, tuân thủ tốt pháp luật.

Còn theo ông Đỗ Thanh Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, đối với 20 DN tham gia chương trình thí điểm, đơn vị đã phân luồng ưu tiên về thủ tục, tăng cường công tác hỗ trợ. Đồng thời, đơn vị làm việc với các DN kinh doanh kho, bãi, cảng… để cùng tham gia hỗ trợ. Đơn vị cũng phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn cùng tham gia hỗ trợ, để các DN không chỉ thấy được hưởng lợi về thủ tục hải quan mà còn được thấy được lợi ích ở các lĩnh vực khác.

42 doanh nghiệp đã được cải thiện mức độ tuân thủ

Sau khi trở thành thành viên chương trình, DN sẽ được hưởng nhiều lợi ích khác biệt với các DN thông thường khác, trong quá trình làm thủ tục hải quan. Cụ thể như, được cơ quan hải quan thực hiện tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với DN thành viên chương trình, khi có yêu cầu; được cơ quan hải quan ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia chương trình trên hồ sơ DN và các hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan hải quan đối với DN tham gia chương trình, để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, các DN thành viên được cơ quan hải quan phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; được cơ quan hải quan trao đổi thông tin, cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của DN; cảnh báo DN xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), các rủi ro nội bộ của DN trong hoạt động XNK theo các khuyến nghị từ các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có trách nhiệm trong nước và trên thế giới.

Cơ quan hải quan phối hợp với cộng đồng DN và các cơ quan liên quan tổ chức các hội thảo, đồng thời tư vấn, hỗ trợ các biện pháp để DN hợp tác với cơ quan hải quan, chủ động phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, phòng tránh rủi ro trong chuỗi cung ứng XNK, đảm bảo duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật.

DN cũng được ưu tiên xem xét, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi khi DN đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục XNK, quá cảnh hàng hóa của DN. Trường hợp đặc biệt, theo đề nghị của DN, cơ quan hải quan có thể phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tư vấn cho DN các biện pháp khắc phục, giảm thiểu hậu quả các lỗi, vi phạm cho DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật....

Các đơn vị hải quan sẽ tổ chức các chương trình hợp tác, đào tạo nâng cao tuân thủ để DN kịp thời cập nhật, nắm vững và tuân thủ các quy định mới liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro hải quan nói riêng và lĩnh vực XNK, quá cảnh nói chung.

Qua 7 tháng triển khai thí điểm, một số kết quả bước đầu cho thấy, cơ quan hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời cùng xây dựng kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 207 DN tham gia chương trình trên toàn quốc. Chương trình đã kịp thời hỗ trợ, giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các DN thành viên; kịp thời giúp DN nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Bước đầu, có 42 DN đã được cải thiện mức độ tuân thủ. Qua đó, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng DN, khi các DN được hưởng các lợi ích thiết thực trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động XNK.

Phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20%

Chương trình thí điểm đã đặt ra mục tiêu 80% doanh nghiệp (DN) tham gia được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao và trên 80% DN tham gia hài lòng về các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan. Sau 2 năm triển khai, 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Trần Đức Hùng - Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh: Phối hợp chặt chẽ để cải thiện mức độ tuân thủ

Lan tỏa tinh thần tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Ông Trần Đức Hùng

Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng DN; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các DN vừa có lợi ích vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật, bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ.

Trong quá trình triển khai, Cục Hải quan Bắc Ninh sẽ tổng kết những kết quả cụ thể đạt được, đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả mang lại cho cơ quan hải quan và cộng đồng DN; qua đó báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan mở rộng số lượng DN tham gia trong thời gian tiếp theo. Đây là một trong những tiền đề giúp đơn vị tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục hành chính và cam kết tạo thuận lợi thương mại, tiến tới triển khai hải quan số, hải quan thông minh.

Bà Lý Vân Phương, Công ty TNHH Flat Việt Nam: Giúp doanh nghiệp nắm bắt, tuân thủ tốt pháp luật

Lan tỏa tinh thần tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Bà Lý Vân Phương

Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tấm kính dùng cho tấm module năng lượng mặt trời, với khoảng 200 tờ khai XNK/tháng.

Đã có 6 năm hoạt động ở Việt Nam, dù rất nỗ lực, cố gắng nhưng DN vẫn không tránh khỏi thiếu sót trong nắm bắt quy định của pháp luật. Vì vậy, Công ty mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa thông quan các hoạt động tư vấn, trả lời vướng mắc, cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro… trong hoạt động XNK, qua đó giúp DN nắm bắt, tuân thủ tốt pháp luật, không để xảy ra vi phạm. Thông qua chương trình, chúng tôi hy vọng công ty tiếp tục là đối tác tin cậy của cơ quan hải quan.

Bà Phạm Hương Giang - Trưởng phòng Logistics, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thái Tân: Chương trình hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp

Lan tỏa tinh thần tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Bà Phạm Hương Giang

Là DN quy mô lớn với lượng tờ khai XNK khoảng 1.000 bộ/năm, công ty luôn có ý thức trách nhiệm và chủ động trong tuân thủ tốt quy định của pháp luật. Dù vậy, với số lượng mặt hàng lớn liên quan đến nhiều mã số (HS), chính sách quản lý khác nhau… nên việc DN tự tìm hiểu là hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, với những cam kết của cơ quan hải quan trong Chương trình hỗ trợ DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan sẽ hỗ trợ cho DN rất nhiều. Đặc biệt là việc Cục Hải quan Hải Phòng cam kết bố trí một đội ngũ chuyên trách ở cục hoặc các chi cục để làm đầu mối hướng dẫn, tư vấn sẽ rất hiệu quả.

Ông Đoàn Danh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Một chương trình thiết thực

Lan tỏa tinh thần tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Ông Đoàn Danh Tuấn

Việc triển khai xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao mức độ tuân thủ của người khai hải quan là cơ sở quan trọng để cơ quan hải quan tạo thuận lợi hơn nữa cho DN nói riêng và hoạt động XNK nói chung. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của cơ quan hải quan, các DN nhận được nhiều sự hỗ trợ kịp thời.

Khi có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan, DN từng bước nâng cao mức độ tuân thủ, giảm tỷ lệ vi phạm. Đây là một chương trình thiết thực hỗ trợ DN hạn chế, khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hải quan, giúp DN chủ động có biện pháp phòng tránh vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tự tuân thủ pháp luật…/.