Trăn trở của người nghệ nhân 15 năm “giữ lửa” đèn

Được biết đến là một trong những nghệ nhân "hiếm hoi" còn nắm "bí kíp" làm đèn kéo quân, ông Vũ Văn Sinh (56 tuổi) người thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, 15 năm nay cứ mỗi dịp trung thu lại tất bật cho ra lò những chiếc đèn kéo quân truyền thống.

Tuy nhiên, cũng như bao mặt hàng đồ chơi dân gian khác, đèn kéo quân truyền thống đang dần mai một đi theo thời gian, do giá trị kinh tế đem lại không cao. Cụ thể, năng suất một ngày chỉ làm được khoảng 2 chiếc đèn nhỏ, đèn to làm mất đến 3 - 4 ngày.

TBTC
Những năm gần đây, ông Sinh cho biết, đơn đặt đèn kéo quân truyền thống đang ít đi nhiều, khiến ông càng trăn trở trong việc cải tiến để vừa lòng khách hàng.

Không chỉ vậy, theo ông Sinh chia sẻ, mỗi dịp Trung thu, đồ chơi Trung Quốc lại được dịp tràn về, lấn át các mặt hàng truyền thống Việt Nam, khiến ông buộc phải tìm ra phương pháp cải tiến mới cho sản phẩm của mình để bắt kịp với xu hướng thời đại.

Dựa trên các hình dáng của chiếc đèn kéo quân truyền thống được làm từ khung tre, giấy dán, trục quay, chạy bằng cách đốt lửa…, năm nay, ông Sinh đã có ý tưởng táo bạo, đó là tạo nên chiếc đèn kéo quân đời mới mà ông tạm gọi đó là “siêu đèn kéo quân”.

Song song với đó, ông Sinh vẫn làm đèn kéo quân truyền thống để bán và nhận hướng dẫn các đoàn thực tế tới thăm quan và trải nghiệm cắt dán làm đèn kéo quân.

Ý tưởng táo bạo - chi 300 triệu đồng cho ra mắt "siêu đèn kéo quân"

Ông Sinh cho biết, tâm lý người tiêu dùng ngày nay thích chơi những món đồ bền, đẹp và rẻ. Chiếc đèn kéo quân truyền thống mặc dù rất đẹp nhưng không thể đáp ứng được người tiêu dùng do làm bằng giấy và dễ bị cháy do gió tạt…

Từ những trăn trở đó, ông Sinh đã thiết kế ra chiếc "siêu đèn kéo quân" làm từ nguyên liệu nhựa mica và chạy bằng điện. Đèn có hình dáng tương đối giống chiếc đèn kéo quân truyền thống, nhưng hình ảnh hiện ra trên đèn khá sắc nét, rõ ràng và có màu.

TBTC
Chiếc đèn kéo quân truyền thống hoạt động bằng lửa: hơi lửa nóng đốt ở dưới, bay lên làm xoay tròn chong chóng đèn; chong chóng quay các hình thù gắn vào tán đèn sẽ quay theo. Dưới ánh sáng của nến, những hình ảnh này sẽ in lên nền của lớp giấy màu, giấy pơ - luya hoặc lụa mỏng bao bên ngoài rất sống động.

Đối với gia đình ông Sinh, đây là ý tưởng táo bạo nhất trong sự nghiệp làm đèn kéo quân, khi đã chi tới gần 300 triệu đồng để sản xuất ra những chiếc đèn cải tiến này đưa vào "chào hàng" thị trường.

Do quá trình chuẩn bị nguyên liệu khá tốn thời gian, bắt đầu từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 gia đình ông mới sản xuất ra những chiếc “siêu đèn kéo quân”. Để làm kịp cho mùa trung thu, gia đình ông đã phải huy động tới gần 20 nhân lực làm ngày làm đêm.

TBTC
Những chiếc "siêu đèn kéo quân" của ông Sinh vô cùng sinh động trong bóng tối

Mỗi ngày theo ông Sinh chia sẻ, số lượng đèn sản xuất ra vào khoảng 500 chiếc, đến Rằm Tháng 8 có thể làm tới khoảng 5.000 chiếc. Vừa làm, ông Sinh vừa “chào hàng” ngay đến tất cả các siêu thị trong thành phố với số lượng khoảng 100 cái mỗi nơi; ngoài ra đèn còn được giao đến một số cửa hàng trên phố cổ (Hà Nội), đặc biệt là Hàng Mã để kịp mùa trung thu.

Mức giá khởi điểm cho chiếc “siêu đèn kéo quân” mà ông đi rao bán vào khoảng 130.000 đồng - 150.000 đồng/ chiếc.

Theo chia sẻ của ông Sinh, năm nay, nếu được thị trường chấp nhận “siêu đèn kéo quân”, năm sau ông sẽ làm với số lượng nhiều hơn và cải tiến mẫu mã sao cho đa dạng và bắt mắt hơn nữa.

Một số hình ảnh theo ghi nhận của phóng viên tại ngôi nhà của ông Vũ Văn Sinh, người nắm “bí kíp” làm đèn kéo quân:

TBTC
Không khí bận rộn sản xuất những chiếc "siêu đèn kéo quân" tại ngôi nhà của ông Sinh.

Bài và ảnh: Cẩm Tú