chu van an

Tượng thờ Chu Văn An tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội về việc lập hồ sơ danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO kỷ niệm nhân dịp 650 năm ngày mất (1370 - 2020), ngày 6/4/2018, tại Nhà Thái học Văn Miếu, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An - Con người và sự nghiệp” để chuẩn bị hồ sơ danh nhân Chu Văn An gửi các cơ quan chức năng thẩm định trước khi gửi UNESCO xem xét.

Hội thảo đã nhận được 15 bài tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia của Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và quê hương danh nhân Chu Văn An ở Thanh Liệt (Thanh Trì - Hà Nội), cùng nơi mất của Chu Văn An ở Chí Linh (Hải Dương).

Các tham luận này đã phác họa chân dung Chu Văn An trên các phương diện: Quê hương, gia đình, con người, sự nghiệp, trước tác của Chu Văn An; Chu Văn An với Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Ảnh hưởng của Chu Văn An và các hình thức tôn vinh Chu Văn An…

chu van an
Toàn cảnh Hội thảo ngày 6/4/2018, tại Nhà Thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chu Văn An sinh năm 1292, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm - nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Từ nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là người học giỏi, ham đọc sách, tính tình cương trực, luôn sửa mình giữ tiết tháo, không cầu danh lợi. Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan mà mở trường ở quê nhà để dạy học. Học trò theo ông rất đông, có nhiều người sau đỗ đạt làm quan lớn trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát từng được giữ chức Nhập nội hành khiển thời Trần. Học trò của ông đều luôn kính trọng ông, bởi ông là người thanh liêm cương trực, đạo cao đức trọng.

Dưới thời vua Trần Minh Tông (1314-1329), Chu Văn An được vời ra kinh đô Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và tế lễ tại Văn Miếu, đồng thời dạy Hoàng Thái tử Trần Vượng (sau này trở thành vua Trần Hiến Tông). Thời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), tình hình triều chính rối ren, quyền thần lộng hành, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua trừng trị bảy tên gian thần nhưng vua không nghe theo. Vậy là ông treo ấn từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Năm 1370, Chu Văn An qua đời, thọ 79 tuổi. Vua Trần Nghệ Tông vô cùng thương tiếc, ban tên thụy là Khang Tiết, tước hiệu là Văn Trinh công và cho phối thờ ở Văn Miếu. Sau khi ông mất, có 12 điểm thờ tự và đến nay tên của ông đã được đặt cho 50 trường học, 33 đường phố trên khắp mọi miền của đất nước.

Chu Văn An là người dành cả cuộc đời cho việc giáo dục, dạy người. Ông làm thầy từ lúc còn trẻ ở quê hương, tiếp đó làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và cuối đời về ở ẩn dạy học ở Chí Linh, Hải Dương. Ông đã để lại tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và nhân cách, chính trực thanh liêm, phụng sự đất nước không màng danh lợi, được người Việt qua các thế hệ tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” - người thầy giáo mẫu mực của muôn đời!

Các tham luận và các ý kiến trao đổi tại hội thảo - trong đó đặc biệt là tham luận và các ý kiến của GS Lưu Trần Tiêu, GS Lê Văn Lan, Đại sứ - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu - đã thống nhất khẳng định: việc đề nghị UNESCO kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An (vào năm 2020) là tưởng niệm một danh nhân trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam. Đây là định hướng để thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị hồ sơ danh nhân Chu Văn An gửi các cơ quan chức năng thẩm định, hoàn thiện kịp gửi trình UNESCO xem xét trong năm 2019 mà theo quy định của UNESCO thì hồ sơ danh nhân phải hoàn thiện và gửi trước ngày 15/9/2018. Như vậy là quỹ thời gian còn rất ngắn đòi hỏi mọi công việc cần phải rất khẩn trương thì mới kịp thời gian./.

Nguyễn Hữu Mão