Liên thông ứng dụng giúp tự động hóa các bước kiểm soát tại kho bạc
Kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hạnh Thảo

Tiết kiệm thời gian, công sức cho công chức

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, quy trình liên thông các ứng dụng nghiệp vụ: Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) - Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) - Thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) đối với chi thường xuyên được xây dựng đảm bảo các chứng từ chi trong phạm vi liên thông được hoàn thiện, phê duyệt và ký số duy nhất tại hệ thống DVCTT. Sau đó, hệ thống DVCTT tự động đẩy các thông tin sang Tabmis và hệ thống các chương trình thanh toán để thanh toán với ngân hàng thương mại (NHTM).

Đồng thời, quy trình liên thông này còn để đảm bảo tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng; nâng cao năng suất, chất lượng lao động cho đội ngũ công chức KBNN; chuẩn hóa dữ liệu của đơn vị sử dụng ngân sách khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên DVCTT.

Đánh giá về kết quả sau gần 2 năm thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ này, ông Lê Hoài Thanh - Giám đốc KBNN Hoà Bình cho biết, nếu như trước đây, với mỗi hồ sơ chứng từ, công chức kế toán của kho bạc phải thực hiện nhập số liệu thủ công từ hệ thống DVCTT sang Tabmis, thì nay với việc liên thông 3 hệ thống, kế toán không phải thực hiện các thao tác này nữa.

Giao dịch điện tử và thanh toán tự động là xu thế tất yếu

Việc liên thông các ứng dụng sẽ phục vụ trực tiếp vào lộ trình phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn tới thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến phục vụ nhanh người dân và các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua kho bạc, giúp Chính phủ, Bộ Tài chính có đủ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên DVCTT để đi thanh toán song phương với NHTM, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình DVCTT, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, TTSPĐT và tự động chuyển sang NHTM mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây.

“Việc này đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho công chức kho bạc. Bên cạnh đó, việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ cũng giúp tránh được các sai sót về con số khi nhập số liệu thủ công, đồng thời bảo đảm cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra” - ông Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Cương - Giám đốc KBNN Vĩnh Phúc cũng cho biết, thực hiện liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ, công chức kho bạc có thêm giời gian để xử lý các nghiệp vụ khác cũng như dành thời gian để học hỏi, nghiên cứu thêm về nghiệp vụ, nhất là thời điểm cuối năm khi lượng hồ sơ chứng từ tăng lên đột biến, không lo bị quá tải như trước đây.

Có thể thấy, việc triển khai quy trình liên thông các ứng dụng DVCTT - Tabmis - TTSPĐT đã giúp các đơn vị KBNN phục vụ nhanh người dân và các đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt, các chứng từ chi được áp tự động trước thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán (Cut off time) được chuyển sang hệ thống thanh toán điện tử trong ngày làm việc để thanh toán với NHTM. Đối với các chứng từ được áp tự động sau thời điểm này sẽ tự động mặc định chuyển sang ngày làm việc tiếp theo để thanh toán với NHTM…

Hoàn thiện quy trình liên thông chứng từ chi đầu tư

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu trở thành Kho bạc số vào năm 2030. Do đó, giao dịch điện tử và thanh toán tự động là xu thế tất yếu, là yêu cầu tiên quyết đối với KBNN để hướng tới mục tiêu “cải cách và hiện đại hóa cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN…”.

Thực hiện mục tiêu này, trong thời gian vừa qua, ngoài việc liên thông các ứng dụng cho công tác chi thường xuyên, KBNN còn nỗ lực thực hiện các chương trình thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH); chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản (Chương trình ĐTKB - GD) mang đến rất nhiều thuận lợi cho công tác kiểm soát chi ngân sách.

Ông Phan Quảng Thống - Giám đốc KBNN Đà Nẵng cho biết, Chương trình ĐTKB - GD đã giúp đơn vị kiểm soát chi đầu tư chặt chẽ; dữ liệu được chuẩn hóa, thống nhất; số liệu giải ngân vốn đầu tư công được khai thác một cách kịp thời, chủ động tại mọi thời điểm. Đồng thời, chương trình cũng phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành các cấp chính quyền địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ về hiệu quả của Chương trình ĐTKB - GD, ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc KBNN Quảng Ninh cũng cho biết, đến nay tất cả các đơn vị KBNN trên địa bàn Quảng Ninh đã tham gia giao dịch trên Chương trình ĐTKB - GD và hoàn thành việc chuyển đổi dữ liệu với 100% số lượng dự án giao dịch. Hồ sơ, chứng từ được giải quyết một lần trên hệ thống với thông tin tương đối đầy đủ, xuyên suốt từ công chức nghiệp vụ đến lãnh đạo. Số liệu kế hoạch vốn từ Tabmis được đồng bộ về Chương trình ĐTKB - GD đã góp phần giúp KBNN Quảng Ninh kiểm soát chi đầu tư chặt chẽ, an toàn…

Mặc dù mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên hiện nay, các khoản chi đầu tư được kiểm soát, quản lý trên Chương trình ĐTKB - GD chưa áp dụng tự động liên thông giữa các chương trình như trong chi thường xuyên. Theo đó, đối với hồ sơ chi đầu tư sau khi được lãnh đạo kho bạc phê duyệt trên Chương trình ĐTKB - GD, công chức kiểm soát chi sẽ phải mất thêm thời gian nhận lại hồ sơ, giao diện thủ công sang các chương trình, sau đó tiếp tục mang chứng từ giấy trình lãnh đạo phê duyệt.

Do đó, để hoàn thiện quy trình liên thông chi, tiến tới tự động tối đa các bước kiểm soát, KBNN đang tập trung nâng cấp các chương trình ứng dụng, mở rộng phạm vi liên thông đối với chứng từ chi đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các hệ thống tham gia liên thông như: Hệ thống DVCTT; hệ thống Tabmis; Chương trình ĐTKB - GD; hệ thống thanh toán điện tử. Trong đó, các hồ sơ, chứng từ chi đầu tư được nhận trực tiếp tại KBNN hoặc trên DVCTT của kho bạc và tiếp nhận, xử lý trên Chương trình ĐTKB - GD, sau đó được giao diện sang Tabmis và chuyển đi thanh toán với ngân hàng.

Thực hiện thành công việc liên thông giữa các ứng dụng trong quản lý, kiểm soát chi đầu tư sẽ là một trong những giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đưa nhanh dòng vốn vào nền kinh tế. Đây cũng là một trong những bước đi cơ bản giúp kho bạc tiến nhanh tới kho bạc số vào năm 2030.

Hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho người sử dụng

Kết quả đạt được từ liên thông các ứng dụng sẽ giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước tự động hóa tối đa các bước xử lý, kiểm soát hồ sơ, chứng từ thanh toán vốn. Đồng thời, việc liên thông còn hỗ trợ một cách đắc lực, hiệu quả và thuận tiện cho người sử dụng, các đơn vị giao dịch và hệ thống Kho bạc Nhà nước trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn ngân sách nhà nước nói chung và vốn đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.