Ngày càng nhiều doanh nhân là “tỷ phú đô-la”

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Việt Nam đã có nhiều doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần có cả 2 điều: kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hóa kinh doanh. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.

Đây được coi là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lịch sử cho sự phát triển của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới. Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh còn có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và cạnh tranh thành công, nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng quyết định sự thắng thua, thành bại.

Ở nước ta, Chủ tịch VCCI cho rằng nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hóa kinh doanh chưa được quan tâm phát huy xứng đáng. “Gần đây chúng ta thấy một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia”- ông Phạm Tấn Công nói.

Thị trường sẽ đào thải doanh nghiệp “ăn xổi, ở thì”

Theo TS. Cấn Văn Lực, nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn dần hoàn thiện, hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn, còn nhiều kẽ hở và bất cập, tạo cơ hội cho các hành vi phạm pháp. Trong bối cảnh như vậy, một số doanh nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, “lách luật” để làm giàu bất chính. Tình trạng đó ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển đạo đức doanh nhân. Đặt mục tiêu vì lợi nhuận nên nhiều doanh nhân đã bất chấp pháp luật, đã xem nhẹ trách nhiệm của mình đối với xã hội, với người lao động, với nhà đầu tư như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tàn phá môi trường, gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Nhiều doanh nhân đã vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà không ngần ngại lừa đảo cả đối tác, khách hàng của mình bằng những hành vi tinh xảo, mua chuộc, hối lộ những cán bộ có chức có quyền để tạo điều kiện cho họ làm ăn phi pháp. Những vụ việc này đang làm xói mòn hình ảnh “doanh nhân thành đạt” làm ảnh hưởng đến các doanh nhân có đạo đức chuẩn mực…

Văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Theo ông Phạm Tấn Công, văn hoá kinh doanh quốc gia có tính chi phối mọi mặt các hoạt động kinh doanh của một đất nước, là một trong những thành tố quyết định việc hình thành, phát triển và khẳng định thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Xây dựng và nâng tầm văn hoá kinh doanh quốc gia, sẽ giúp nhân lên ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp nước nhà, góp phần quan trọng tạo nên thành công quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Để hướng tới kinh doanh bền vững, có trách nhiệm, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, một nguyên tắc trước tiên của đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là không làm kinh tế bằng mọi giá.

Dù rằng lợi nhuận là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, song kinh doanh “chộp giật”, chỉ hướng theo cái lợi trước mắt đã không còn là tư duy kinh doanh đúng đắn cho doanh nhân thời đại mới. Bởi lẽ giờ đây, khi yêu cầu về phát triển bền vững “lên ngôi”, thị trường sẽ tự đào thải dần những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”. Thay vào đó, thị trường sẽ giữ lại, nuôi dưỡng và tạo đà cho những doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng lớn mạnh.

Do đó, doanh nghiệp không thể đặt lợi ích kinh tế là lợi ích duy nhất mà phải đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là con đường duy nhất mà người doanh nhân phải chèo lái "con thuyền" doanh nghiệp theo đó để phát triển bền vững.

* Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Khắc phục điểm yếu về quản trị doanh nghiệp

Nói đến doanh nghiệp không chỉ nói đến thành tích kinh tế, mà còn phải xem sự phát triển đó bền vững hay không. Nếu chỉ nhìn tiềm lực kinh tế, chúng ta đã thấy có những doanh nghiệp quy mô tài sản, lợi nhuận rất lớn, nhưng chỉ sau một sự việc là có thể tan rã. Doanh nghiệp có thể phát triển rất nhanh nhưng không hề bền vững.

Lợi ích kinh tế phải song hành với trách nhiệm xã hội
Ông Phan Đức Hiếu

Thực tế ở nước ta, quản trị công ty chưa được nhiều doanh nghiệp nhận thức đúng mức về vai trò và lợi ích. Phần lớn doanh nghiệp đang áp dụng quy tắc quản trị để đối phó với các yêu cầu của luật pháp hơn là tự nguyện cam kết và thực hiện quản trị tốt vì chính doanh nghiệp mình.

Phía sau những tấm biển là doanh nghiệp, tập đoàn, công ty TNHH… thì thực chất chưa có sự trưởng thành về quản trị, nhiều doanh nghiệp dù rất lớn nhưng vẫn quản trị kiểu gia đình, quyền lực tập trung lớn vào người sáng lập, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro. Một quyết định của cá nhân có thể làm sụp đổ cả tập đoàn.

Do đó để lực lượng doanh nghiệp phát triển thực sự bền vững, tạo những giá trị kế thừa lâu dài, rất cần phải có những khuôn khổ pháp lý mạnh hơn, cụ thể về áp dụng quản trị doanh nghiệp. Phần lớn các cuộc khủng hoảng là do quản trị, quản trị tốt sẽ ngăn chặn xung đột nội bộ, ngăn ngừa sự lạm quyền, thúc đẩy tư duy phát triển dài hạn, chống xung đột lợi ích.

* Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI: Kiên quyết bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính

Lợi ích kinh tế phải song hành với trách nhiệm xã hội
Ông Đậu Anh Tuấn

Nghĩ về ngày doanh nhân Việt Nam, tôi suy nghĩ nhiều đến lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nghĩ đến việc làm sao giữ được tinh thần khởi nghiệp đã có trước đây. Nói chuyện với doanh nhân nhiều nước, tôi thấy rằng khi nhắc đến châu Á thì Việt Nam là cái tên được nhắc đầu tiên bên cạnh Ấn Độ, Indonesia… Các nước Đông Nam Á khi nói đến Việt Nam cũng thể hiện sự ngưỡng mộ về tốc độ tăng trưởng, tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Những điều đó thể hiện vị thế, sức hấp dẫn của Việt Nam. Vậy Việt Nam đang giữ được tinh thần khởi nghiệp và không gian khởi nghiệp nhân lực, nhưng làm sao chính sách cho khởi nghiệp phải thân thiện hơn, sát chuẩn quốc tế hơn và an toàn hơn.

Trong bối cảnh này, thông điệp cần nhất có lẽ là kiên quyết bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bởi tâm lý bất an vẫn còn. Đối với người kinh doanh thì sự ổn định chính sách vẫn là ưu tiên số một. Trong khi các doanh nghiệp FDI có thể đến và đi dễ dàng thì với doanh nghiệp tư nhân trong nước, họ cần an tâm để giữ gìn, tích lũy của cải ở đất nước của mình, để truyền đời kế nghiệp cho con cháu, không phải lo dịch chuyển đi nơi khác.

Do vậy, tôi cho rằng điều cần để duy trì hun đúc tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp lúc này là giữ sự ổn định nhất quán của môi trường kinh doanh Việt Nam. Mỗi bộ, ngành khi đưa ra chính sách cụ thể phải theo trục này, để môi trường kinh doanh được ổn định, nhà đầu tư làm ăn chân chính được bảo vệ. Khi đó, thì dù có xảy ra những vụ đổ vỡ của doanh nghiệp thì họ vẫn yên tâm là môi trường kinh doanh đang được thiết lập để lành mạnh, công khai minh bạch hơn.

* TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Bịt những kẽ hở để tránh làm giàu bất chính

Lợi ích kinh tế phải song hành với trách nhiệm xã hội
TS. Cấn Văn Lực

Để nâng cao đạo đức kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực đề xuất phải tiếp tục công cuộc cải cách hành chính theo hướng trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, kiên quyết xoá bỏ cơ chế “xin - cho”; loại bỏ các rào cản gây phiền hà cho doanh nghiệp; sắp xếp, quán triệt bộ máy hành chính phải thân thiện, đúng bản chất dịch vụ công để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Hệ thống thể chế phải được cải cách, đổi mới theo hướng tạo nền tảng và khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa, tạo môi trường kinh doanh công bằng với mọi thành phần kinh tế. Phải xây dựng và thực thi các chính sách, quy định pháp luật thực sự đúng đắn, khoa học để không tạo kẽ hở cho làm giàu bất chính. Các thành phần kinh tế được đảm bảo lợi ích chính đáng cũng như ngăn chặn, trừng phạt những hành vi gian lận. Đảng và Nhà nước ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật đảm bảo sự minh bạch, công bằng, nhất quán để giúp doanh nghiệp được kinh doanh tự do, lành mạnh.