Lợi nhuận ngân hàng có thể không hoàn toàn tươi sáng như kỳ vọng
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Những yếu tố thuận lợi

Diễn biến tín dụng từ đầu năm 2023 đến 22/11/2023 cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Tuy nhiên, đến 31/12/2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung cả năm 2023 vẫn đạt 13,71%, chỉ thấp hơn chút ít so với mức 14% tổng chỉ tiêu tăng trưởng chung cả năm 2023. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã vọt tăng một cách mạnh mẽ chỉ trong hơn 1 tháng cuối năm 2023 sau suốt gần 11 tháng chậm chạp. Chỉ trong khoảng 5 tuần, từ 23/11 đến 31/12/2023, tốc độc tăng trưởng tín dụng đạt tới 5,5%.

Sang năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái giao chỉ tiêu tín dụng khá sớm, qua đó tạo thuận lợi giúp cho các ngân hàng có tâm thế vào cuộc sớm. Từ ngày 31/12/2023, NHNN đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15%.

Ở góc độ chi phí đầu vào, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cuối năm 2023 và đầu năm 2024 cũng giảm mạnh. Một số ngân hàng chỉ trong tháng 1/2024 đã có vài lần giảm lãi suất. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng tại BIDV chỉ còn 2%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng chỉ còn 2,3%/năm và kỳ hạn 6 - 11 tháng còn 3,3%/năm. Tại VietinBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, các kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 2,2%/năm. Tại Vietcombank, lãi suất 1 tháng còn 1,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm; tại Agribank kỳ hạn 1 tháng là 1,8%/năm và 2 tháng là 2,1%/năm.

Bức tranh nhiều gam màu

ngan-hang-loi-nhuan-7348-1632097438.gif

Tín dụng phục hồi đà tăng trưởng, trong khi chi phí đầu vào cũng giảm dần thể hiện qua lãi suất huy động giảm mạnh đang mở ra nhiều kỳ vọng về khả năng gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng trong giai đoạn tới. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành có được sức hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn khoảng 1 tháng gần đây. Trong tuần thứ 3 của tháng 1/2024, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, thời gian qua nhóm cổ phiếu ngân hàng giữ đà tăng với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước.

Quan sát diễn biến cổ phiếu VCB của Vietcombank cho thấy, xu hướng tăng kéo dài trong giai đoạn từ 22/12 đến nay từ mặt bằng giá chỉ khoảng trên 80.000 đồng/cổ phiếu lên mặt bằng mới trên 90.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng khoảng trên 12,5%. Tương tự, cổ phiếu BID của BIDV trong vòng 1 tháng qua cũng tăng khoảng 16%, cổ phiếu CTG của VietinBank trong giai đoạn này tăng trên 20%...

Mặc dù bức tranh kinh doanh của các ngân hàng đang hứa hẹn nhiều yếu tố lạc quan, từ đó kích thích mạnh mẽ dòng tiền đầu tư hướng đến các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán, nhưng thực tế những khó khăn của các ngân hàng cũng vẫn còn không ít trên chặng đường phía trước.

Hiện nay các ngân hàng vẫn đang tiếp tục thực hiện các quy định về giãn, hoãn nợ cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Đây là một trong những giải pháp của ngành ngân hàng nhằm cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng và nền kinh tế. Dự kiến, thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 sẽ kéo dài đến tháng 6/2024 và có nhiều ý kiến kỳ vọng NHNN có thể tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư 02 để hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng gặp khó khăn. Đây cũng là một quan điểm có thể phù hợp với bối cảnh nền kinh tế nửa đầu năm 2024, khi các doanh nghiệp tiếp tục cần được “tiếp sức” để gia tăng năng lực phục hồi trong giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, giãn hoãn nợ thực chất không phải là giải pháp lâu dài, bởi bản chất việc này có thể làm đẩy rủi ro hiện tại vào tương lai. Theo đó, NHNN khi hướng dẫn các ngân hàng thực hiện Thông tư 02 vẫn yêu cầu phải trích lập dự phòng theo đúng bản chất nhóm nợ thực tế để đề phòng các yếu tố rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh trong tương lai và việc này cũng có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, việc kéo dài Thông tư 02 cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì tìm mọi giải pháp tháo gỡ, trường hợp những doanh nghiệp năng lực yếu kém không có khả năng phục hồi thì cần kiên quyết không cơ cấu nợ, chấp nhận chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ.

Sẵn sàng chấp nhận “chịu đau” để "phẫu thuật"

Lợi nhuận ngân hàng có thể không hoàn toàn tươi sáng như kỳ vọng

Việc kéo dài Thông tư 02 đang là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, không thể để các doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi làm gánh nặng cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp không thể phục hồi được thì cần phải bắt buộc xử lý theo Luật Phá sản. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.