Luật Đất đai 2024 mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Luật mới mang tính đột phá để phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Ảnh tư liệu minh họa

PV: Xin ông cho biết điểm mới của Luật Đất đai 2024 liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai?

Luật Đất đai 2024 mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Luật sư Bùi Văn Thành

Luật sư Bùi Văn Thành: Hiện nay, theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, việc giải quyết các tranh chấp liên quan bất động sản, bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật, thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam, không thuộc thẩm quyền của trọng tài.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/12025 đã có các quy định mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài đối với các tranh chấp liên quan bất động sản tại Việt Nam. Đây là quy định mang tính đột phá để phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

Cụ thể, tại Điều 28 về nhận quyền sử dụng đất quy định, tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được nhận quyền sử dụng đất, theo quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam.

Giảm tải áp lực cho tòa án

Khi việc giải quyết qua trọng tài, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, tức là chỉ có 1 cấp, sau phán quyết của trọng tài thì quyết định sẽ có hiệu lực ngay. Như vậy, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai cho trọng tài thương mại sẽ rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp, đồng thời giảm tải bớt công việc cho tòa án.

Tại Điều 137 cũng quy định: “Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam…”.

Điều 236 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: “...5. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại”.

Cũng theo Khoản 6 của Điều 236, thì “Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai”.

PV: Ông đánh giá thế nào về điểm đổi mới, có tính đột phá này trong Luật Đất đai 2024?

Luật sư Bùi Văn Thành: Trong thời gian qua, không chỉ có tòa án, mà các tổ chức trọng tài thương mại ở nước ta, đã từng giải quyết nhiều vụ tranh chấp phát sinh từ hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết của trọng tài chưa rõ ràng, vẫn còn vướng mắc.

Việc dự thảo bổ sung trọng tài là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai là phù hợp thực tiễn và thật sự cần thiết.

Theo luật định, việc giải quyết tại tòa án thường qua 2 cấp xét xử, xét xử lần đầu ở cấp sơ thẩm và được tiếp tục được xét xử ở cấp phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị. Còn nếu không, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và được thi hành sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Với việc giải quyết qua trọng tài, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, tức là chỉ có 1 cấp xét xử. Phán quyết của trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Như vậy, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai cho trọng tài thương mại sẽ rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp, đồng thời giảm tải bớt công việc cho tòa án.

PV: Để nội dung mới này triển khai hiệu quả trong cuộc sống thì cần có những hướng dẫn, hay sửa đổi quy định gì, thưa ông?

Luật sư Bùi Văn Thành: Luật Đất đai 2024 đã quy định, nhưng vẫn còn các hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn như giải thích rõ về khái niệm các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi Điều 470 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, hiện bộ luật này đang quy định các loại thẩm quyền riêng biệt của tòa án. Đồng thời, cần quy định lại về các trình tự, thủ tục tố tụng có các điều khoản liên quan.

Trước đây, trọng tài thương mại đã giải quyết nhiều các tranh chấp liên quan đến thuê nhà xưởng, đất đai. Tuy nhiên, những nội dung như công nhận quyền sử dụng đất theo phán quyết của trọng tài tại Điều 25 thì cần có hướng dẫn. Theo quy định trước đây, chỉ có tòa án được công nhận. Hay như phán quyết của trọng tài đối với việc đăng ký thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… Đây đều là những nội dung mới, cần được sớm hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp luật cụ thể.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải

Tại Điều 235, Luật Đất đai năm 2024 quy định hòa giải tranh chấp đất đai theo hướng: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thành lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.