Sự tăng giá trong nửa đầu năm 2021, bất chấp cả diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Vậy đâu là lý do tạo hiện tượng tăng giá và giao dịch sôi động ở thị trường căn hộ và biệt thự nhà liền kề?

Căn hộ bán trên đà tăng trưởng mạnh về giá

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đang ghi nhận sự gia tăng mạnh về giá căn hộ và hoạt động mạnh mẽ của loại hình biệt thự/nhà liền kề đi cùng hiện tượng tăng giá có chọn lọc.

giá-căn-hộ.jpg
Sự gia tăng về giá có thể xem là một dấu hiệu tích cực của thị trường. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Báo cáo tổng quan thị trường BĐS Hà Nội trong 6 tháng đầu năm của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp tăng. Giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2 tăng 7% theo quý và 11% theo năm, trong đó các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm.

Cụ thể, giá sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm (kể từ năm 2017) tại quận Cầu Giấy, nơi có các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục có chất lượng. Giá bán sơ cấp tại quận Long Biên tăng 12%/ năm do vị trí gần khu trung tâm và những cải thiện về cơ sở hạ tầng gần đây, bao gồm nút giao thông kết nối đường Vành đai 3 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường Vành đai 2 cũng mang lại lợi ích cho các dự án hạng B và C tại đây. Các quận, huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì cũng ghi nhận giá tăng.

Đáng chú ý, chênh lệch về giá BĐS giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang được thu hẹp do cơ sở hạ tầng cải thiện và các dự án ở xa sẽ có nhiều tiện ích đa dạng để bù đắp cho bất lợi về vị trí. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Giá căn hộ sơ cấp trung bình ở Hưng Yên hiện thấp hơn khoảng 20% so với Hà Nội.

Nhìn nhận về hiện tượng tăng giá tiếp diễn, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills lý giải: “Nguồn cung ít, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu chuẩn phát triển cao hơn và giá thép tăng gần đây đã dẫn đến sự gia tăng trực tiếp về giá căn hộ. Những yếu tố về cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn phát triển, sự phát triển về vốn sở hữu cá nhân cũng đồng thời cho thấy thị trường đang hướng tới sự phát triển bền vững hơn nhiều so với trước kia. Đặc biệt khi Việt Nam đang sở hữu những chỉ số kinh tế vượt trội so với những quốc gia khác trong khu vực, với GDP trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng 5,6%, sản xuất và xây dựng cũng tăng gần 9%. Vì vậy, sự gia tăng về giá có thể xem là một dấu hiệu tích cực của thị trường”.

Biệt thự/nhà liền kề tăng giá có chọn lọc

Theo dữ liệu của Savills Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội tiếp tục đạt tỷ lệ hấp thụ tốt trong quý đến 56%, giá chào bán thứ cấp mỗi năm tăng khoảng 7% trong khi giá sơ cấp trung bình cũng tăng trong quý này. Mức tăng giá sơ cấp trung bình cao nhất ở quận Hoàng Mai (15% cho liền kề và 32% cho nhà phố thương mại) và ở huyện Hoài Đức (tăng 29% cho biệt thư, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại).

Sự tăng giá có thể thấy rõ ở giá nguồn cung mới tại các giai đoạn sau của các dự án, đặc biệt ở các dự án có tốc độ hấp thụ tốt. Các chủ đầu tư chia dự án thành nhiều khu để xây dựng giá trị và gia tăng mức giá. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro lớn từ giá chào bán cao. Đơn cử, mức giá tại một số dự án chất lượng tốt ở quận Từ Liêm và huyện Đông Anh có sự suy giảm trong quý này, với mức hấp thụ thấp.

giá-biệt-thự.jpg
Thị trường BĐS nhà ở tại Hà Nội đang ghi nhận sự phát triển mới trong phân khúc nhà ở có thương hiệu. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Chuyên gia này nhận định thêm: “Khi nói giá sơ cấp trung bình của toàn thị trường tăng là trường hợp tính bình quân toàn thị trường. Mỗi khu vực cụ thể sẽ có hoạt động khác biệt, vì vậy nhà đầu tư cần nhìn sâu vào thực tế cũng như giá tại từng khu vực. Chúng ta kỳ vọng sẽ có nhiều sự quan tâm hơn tới loại hình BĐS nhà ở thấp tầng, với điều kiện giá vẫn trong tầm với”.

Theo chuyên gia này, một điểm đáng lưu ý tại Hà Nội, thị trường cũng có xu hướng mở rộng sang vùng ven do quỹ đất ở trung tâm hiện rất hạn chế, thậm chí hiện tượng hạn chế quỹ đất còn có thể thấy tại các khu vực quanh đường Vành đai 2 và 3. Không như thị trường toàn cầu, xu hướng mở rộng ra vùng ven tại Hà Nội chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố về giá cả và hạ tầng. Đối với thị trường Hà Nội, nếu giá không hợp lý và hạ tầng không thật sự thuận lợi, việc phát triển ra các vùng ven là không chắc chắn. Một khi cơ sở hạ tầng được phát triển, thị trường sẽ chào đón thêm nhiều BĐS khu vực ngoại ô hơn. Những dự án này sẽ có quy hoạch rõ ràng, chú trọng hơn tới môi trường sống, cung cấp đa dạng tiện ích giải trí, thể thao tích hợp không gian xanh.

Nhận định về thị trường bất động sản những tháng cuối năm, ông Matthew Powell cho biết: "Chúng ta có thể giữ tầm nhìn lạc quan đối với tình hình thị trường trong sáu tháng cuối năm, khi việc tiêm chủng được tiến hành trên diện rộng, mở ra cơ hội hỗ trợ ngành du lịch hồi phục. Trong những thời điểm khó khăn này, các nhà đầu tư thường sẽ tập trung nhiều vào chất lượng dự án và đầu tư dài hạn thay vì các khoản đầu tư nhiều rủi ro. Do đó, thị trường BĐS nhà ở tại Hà Nội đang ghi nhận sự phát triển mới trong phân khúc nhà ở có thương hiệu. Đây hiện được xem là phân khúc mà các nhà đầu tư có thể thực sự tin tưởng, nhờ chất lượng được khẳng định từ các thương hiệu phát triển và vận hành, và đồng thời là tiềm năng sinh lời trong tương lai".

Thêm vào đó, người mua nhà hiện nay cũng chú trọng đến những dự án đa dạng về tiện ích, dịch vụ và đồng thời cung cấp nhiều không gian xanh, nơi họ có thể sống, làm việc, vui chơi và tận hưởng môi trường. Đây là một hướng đi lâu dài cho dự án, các chủ đầu tư cần tập trung phát triển quy hoạch dự án đồng bộ và tập trung vào chất lượng dự án để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của người mua./.

Văn Tuấn