bao chi

Báo chí khối ngành Tài chính - Ngân hàng ngày càng thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

“Muốn có một nền báo chí kinh tế chuyên nghiệp và phát triển, rất cần có một nguồn thông tin kinh tế chính thống, chuyên nghiệp và minh bạch, có trách nhiệm từ chính quyền cung cấp cho báo chí”. Nhận định đó đã thể hiện được mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa các cơ quan quản lý về kinh tế, tài chính với các cơ quan báo chí thuộc “làng báo kinh tế”.

Quả đúng như vậy, những năm gần đây, việc cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, ngành thuộc khối kinh tế đã cởi mở hơn rất nhiều. Đơn cử như tại Bộ Tài chính, ngoài việc cung cấp thông tin qua Người phát ngôn là Thứ trưởng Bộ Tài chính, những cuộc họp báo chuyên đề, họp báo hàng tháng được tổ chức đều đặn, thông tin về nhiều mặt hoạt động của ngành; đồng thời lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị cũng sẵn sàng trả lời trực tiếp những câu hỏi của phóng viên báo chí...

Để thông tin được cung cấp có chiều sâu và kịp thời hơn nữa, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động tổ chức những cuộc họp báo chuyên đề về quản lý, sử dụng nợ công, quản lý giá, quản lý tài sản công, hoàn thuế… Những cuộc họp báo đó luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên báo chí, bởi lĩnh vực ngành Tài chính quản lý luôn là lĩnh vực “nhạy cảm”, là “điểm nóng”.

Đứng ở vị trí người thu, chi, quản lý “túi tiền”, “kho gạo” của Quốc gia, mỗi động thái như điều chỉnh hợp lý hơn về chính sách, hay thêm một bước tiến về cải cách thủ tục hành chính đều được báo chí phản ánh, cổ vũ; và ngược lại, những vướng mắc trong thủ tục hoặc sai sót trong thực thi của một cá nhân, đơn vị nào đó của ngành cũng được báo chí nêu rõ. Lãnh đạo Bộ Tài chính mà đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng nói: “Chúng ta không ngại báo chí nêu ra cái sai của mình. Đó chính là cơ hội để ta nhận ra khuyết điểm và nhanh chóng sửa chữa. Đặc biệt là để rút kinh nghiệm sâu sắc cho các cá nhân, đơn vị khác tránh lặp lại sai lầm”.

Chính vì thông tin từ Ngành Tài chính đưa ra kịp thời, cởi mở và minh bạch, nên thời gian gần đây, trên các báo đã giảm thiểu được những tin, bài có góc nhìn phiến diện hoặc chưa sâu, chưa đúng về các chính sách, hoạt động của ngành.

Người cảm nhận được rõ nhất việc cơ quan quản lý “mở rộng cửa” cho báo chí chính là các phóng viên. Nguồn thông tin chính thống và chính xác, chuyên sâu từ các bộ, ngành đã thực sự chắp cánh cho họ có những tin, bài chất lượng cao, có tầm ảnh hưởng đến xã hội.

Từ hiệu ứng của những tin bài tốt, xã hội sẽ hiểu về công việc của các nhà quản lý, ủng hộ, cổ vũ những chính sách mới và những cải cách, sáng tạo của họ. Việc cơ quan quản lý tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí một cách thuận lợi như thế đã giúp“vẹn cả đôi đường”.

Hoàng Giang