Môi trường kinh doanh thông thoáng giúp doanh nghiệp, doanh nhân "cất cánh"
Sản phẩm sữa đặc Vinamilk xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh tư liệu

Khu vực doanh nghiệp đóng góp 60% GDP quốc gia

Đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân, ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã tổ chức cuộc gặp mặt các đại diện DN nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Phát triển đội ngũ doanh nhân có vị thế trong khu vực và quốc tế

Chính phủ ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, đề ra nhiều mục tiêu quan trọng về phát triển doanh nhân, doanh nghiêp như: năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; đến năm 2045 hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế…

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng, hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, DN.

"Cổ nhân có câu: phi công bất phú, phi thương bất hoạt để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập đến vai trò đóng góp của đội ngũ DN, doanh nhân đồng hành cũng sự phát triển của đất nước, chia sẻ với TBTCVN, lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, thực tiễn công cuộc đổi mới trong gần 40 năm đã giúp nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội. Thực tế đã minh chứng, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam được Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Sau gần 40 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân, DN đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu DN thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể… Chính sự lớn mạnh cùng nỗ lực chung của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của Việt Nam. Khu vực DN đã đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội…

Gỡ thể chế, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn tạo môi trường thông thoáng, việc tháo gỡ về mặt thể chế là một trong những giải pháp cốt lõi để hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển, đóng góp vào sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Vừa qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN”.

Đánh giá cao đội ngũ DN, doanh nhân, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nhân và DN là những tế bào không thể tách rời của nền kinh tế. Sự phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu dựa trên tăng trưởng của cộng đồng DN, qua đó thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm ổn định xã hội.

Những năm qua, cộng đồng DN Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có tính thích ứng, có khả năng đổi mới sáng tạo cao trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, sẽ còn nhiều khó khăn tác động. Để phát huy hơn nữa vai trò của DN, cần quan tâm hỗ trợ DN chuyển đổi số và sản xuất xanh, sạch. Cộng đồng doanh nhân và DN cũng cần nỗ lực không ngừng đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, quy mô và chất lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nếu DN và doanh nhân suy yếu, nền kinh tế cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, trong bối cảnh mới, DN mong muốn các thông tư, nghị định và luật mới được ban hành sẽ được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

Môi trường kinh doanh thông thoáng giúp doanh nghiệp, doanh nhân "cất cánh"

ÔNG TÔ HOÀI NAM, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC KIÊM TỔNG THƯ KÝ HIỆP HÔI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM (VINASME): Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Từ sau đại dịch Covid-19, tiếp cận vốn trở thành một nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). DNNVV hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đó là không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Nếu được vay thì tỷ lệ vay trên giá trị tài sản bảo đảm đó không cao, chỉ khoảng 50-60%.

Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức liên quan đã cố gắng hết sức nhằm giúp các DNNVV nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tối giản thủ tục hành chính, hối thúc sự giúp đỡ của các ngân hàng, nhưng DN vẫn cần trợ giúp để vượt qua khó khăn. Theo thống kê của nhiều tổ chức tài chính, khoảng 28% DNNVV đang rất “khát” vốn.

Trong thời gian tới, VINASME mong muốn nhận được sự hỗ trợ tín dụng hơn nữa từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy các giải pháp về đào tạo, kết nối, áp dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn. Cụ thể, tổ chức các khóa nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị rủi ro, quản trị tài chính; ký kết bản ghi nhớ với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Môi trường kinh doanh thông thoáng giúp doanh nghiệp, doanh nhân "cất cánh"

ÔNG NGUYỄN TRUNG CHÍNH - CHỦ TỊCH HĐQT, CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ CMC: Ứng dụng và chuyển đổi AI, góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường

Các DN, trong đó có Tập đoàn Công nghệ CMC đã và đang cụ thể hoá mục tiêu trở thành DN mạnh khẳng định năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. CMC không ngừng nỗ lực nghiên cứu các công nghệ lõi, áp dụng những công nghệ mới nhất vào hoạt động kinh doanh, từ AI, điện toán đám mây đến bảo mật thông tin, nhằm tạo giá trị gia tăng cho khách hàng và cộng đồng. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) là “trái tim” của công cuộc chuyển đổi số.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW đã nhấn mạnh quan điểm đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, do đó cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN, doanh nhân phát triển và cống hiến.

Với tầm nhìn trở thành Tập đoàn công nghệ AI hàng đầu khu vực, CMC tiên phong ứng dụng và chuyển đổi AI vào nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích cho người dân, tổ chức và Chính phủ. CMC mong muốn cùng xây dựng Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi AI, góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./.