Mục tiêu lợi nhuận ngân hàng đặt cao nhưng chiến lược phân hóa rõ rệt
Năm 2025 Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 16%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ảnh minh họa

PV: Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 trong tài liệu họp đại hội cổ đông với triển vọng tích cực. Ông đánh giá như thế nào về kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay?

Mục tiêu lợi nhuận ngân hàng đặt cao nhưng chiến lược phân hóa rõ rệt

Ông Nguyễn Thành Trung: Theo tôi, ngành ngân hàng tiếp tục được đánh giá cao trong năm 2025. Điều này xuất phát từ nền tảng tăng trưởng tín dụng ổn định của ngành trong suốt 4 năm qua, bất chấp những thách thức kinh tế giai đoạn 2022-2024. Đặc biệt, năm 2024 đã chứng kiến những dấu hiệu phục hồi rõ nét, tạo tiền đề cho một năm 2025 đầy kỳ vọng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 16%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Bước sang cuối tháng 3, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong chiến lược tăng trưởng. Một số ngân hàng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lên kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 5.580 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với năm trước. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 20-25%, trong khi Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đặt kỳ vọng tăng 22%.

Biên lợi nhuận 2025 kỳ vọng khởi sắc

Đại diện FinSuccess cho biết, NIM ngành ngân hàng giảm từ 2022 do khủng hoảng trái phiếu nhưng có dấu hiệu phục hồi từ quý IV/2024. Dự báo năm 2025, NIM cải thiện nhờ lãi suất điều chỉnh và nhu cầu tín dụng tăng. Các ngân hàng duy trì lợi thế khi giảm lãi suất tiền gửi trước lãi suất cho vay, giúp biên lợi nhuận ổn định. Nếu lãi suất tiếp tục giảm, NIM có thể phục hồi mạnh, hỗ trợ hệ thống ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ngân hàng lại tỏ ra thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự kiến mức lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 5% so với năm 2024. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBbank) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức khiêm tốn hơn, khoảng 10% cho năm 2025.

Hiện tại, nhiều ngân hàng khác vẫn đang trong quá trình chuẩn bị tài liệu cho mùa đại hội cổ đông thường niên sắp tới. Những số liệu chi tiết hơn về kế hoạch kinh doanh năm 2025 sẽ dần được công bố trong giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4, giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về chiến lược phát triển của từng ngân hàng trong bối cảnh kinh tế năm nay.

PV: Nhiều cổ đông kỳ vọng tăng cổ tức tiền mặt, nhưng một số ngân hàng giữ lợi nhuận để mở rộng. Ông đánh giá thế nào về chiến lược này?

Ông Nguyễn Thành Trung: Trong đầu tư chứng khoán, cổ tức đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư, bên cạnh việc gia tăng giá trị cổ phiếu. Chính vì thế, nhóm nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp có chính sách trả cổ tức cao luôn chiếm một tỷ trọng lớn trên thị trường. Tuy nhiên, việc chia cổ tức có thực sự mang lại lợi ích hay không còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Khi ROE của ngân hàng đang ở mức cao và triển vọng tăng trưởng trong tương lai được đánh giá tích cực, việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho cổ đông. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền của cổ đông tiếp tục được tái đầu tư và tạo ra lợi nhuận cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, không ít cổ đông cá nhân lại có xu hướng ưa chuộng việc nhận cổ tức định kỳ, bởi nó giúp họ có dòng thu nhập ổn định thay vì chờ đợi giá cổ phiếu tăng trưởng trong dài hạn.

PV: Theo ông, triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 ra sao và ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Thành Trung: Ngành ngân hàng tiếp tục được chúng tôi đánh giá cao trong năm 2025 nhờ triển vọng tăng trưởng tích cực, đặc biệt ở các chỉ số tín dụng và lợi nhuận. Với bức tranh kinh tế được dự báo khởi sắc hơn, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của thị trường tài chính.

Bên cạnh tiềm năng tăng trưởng, chúng tôi nhận định định giá của các ngân hàng hiện tại đang ở mức hấp dẫn. Chỉ số P/E của nhiều ngân hàng chỉ dao động trong khoảng 6-8 lần, trong khi P/B cũng duy trì ở mức 1 – 1,2 lần, cho thấy dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn. Ngoài ra, với tỷ trọng chiếm khoảng 35-40% trong chỉ số chung của thị trường chứng khoán, nhóm ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong xu hướng vận động chung của thị trường. Khi nền kinh tế phục hồi và thị trường diễn biến tích cực, khó có thể bỏ qua sự đóng góp của các ngân hàng trong đà tăng trưởng này.

Tuy nhiên, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng sẽ mang lại kết quả tích cực. Nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng từng ngân hàng trước khi đưa ra quyết định, đặc biệt là các yếu tố như quản trị doanh nghiệp, tình hình nợ xấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng và những rủi ro tiềm ẩn. Một chiến lược đầu tư thận trọng và có chọn lọc sẽ giúp tối ưu hóa cơ hội trong bối cảnh thị trường ngân hàng vẫn còn nhiều biến động.

PV: Xin cảm ơn ông!