Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: NM.

Tới dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung; đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, UBND tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo các vụ, cục, tổng cục thuộc Bộ Tài chính. Báo cáo tổng kết công tác pháp chế năm 2014, ông Đặng Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội 49/50 đề án (đạt 98%), trong đó có 36/50 đề án đã được ban hành (đạt 72%). Cụ thể, đã xây dựng và trình Chính phủ 4 sự án luật, cho ý kiến 1 dự án luật; trình Chính phủ 18/18 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ 9/9 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 219 Thông tư và Thông tư liên tịch… Theo ông Khôi, công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính mà trọng tâm ngành thuế, hải quan đã mang lại những kết quả tích cực, được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính để thực thi giải pháp cải cách tài chính công, tái cơ cấu doanh nghiệp, thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện. Cũng trong năm 2014, Bộ Tài chính đã rà soát 1160 quy phạm pháp luật theo Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó đã lập danh mục gửi Bộ Tư pháp, trong đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ và ban hành mới hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật. Toàn cảnh hội nghị công tác pháp chế năm 2015. Ảnh: NM. Về nhiệm vụ công tác pháp chế tài chính năm 2015, ông Khôi cho biết sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành để xây dựng 189 văn bản, trong đó có 6 dự án luật, Nghị quyết; 56 Nghị định. Tiếp tục quyết liệt các giải pháp để đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào tổ chức thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông Khôi cũng tiết lộ, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật năm 2015 sẽ tập trung chủ yếu ở ngành Thuế và Hải quan. Đối với ngành Thuế, phải rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo số giờ nộp thuế giảm từ 167 giờ (năm 2014) xuống còn 121,5 giờ vào năm 2015, tỷ lệ kê khai thuế qua mạng đạt 95%, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 90%. Đối với ngành Hải quan, tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại, thời gian hàng hóa xuất khẩu tối đa chỉ còn 13 ngày, thời gian nhập khẩu là 14 ngày, quản lý vận hành hiệu quả hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS), nghiên cứu và ban hành các quy định về áp dụng quán lý rủi ro… Hội nghị cũng đã nghe tham luận của ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự, Kinh tế (Bộ Tư pháp), các tham luận của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng, báo cáo tổng kết của Vụ pháp chế là khá đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì việc triển khai các dự án luật vẫn chưa được như mong muốn. Điều này phải khắc phục cho được trong năm 2015. Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng nêu nên những thách thức đối với công tác pháp chế năm 2015, đó là Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới, vì thế sẽ ảnh hưởng đến công tác pháp luật của ngành Tài chính. Đây là điều mà những người làm công tác pháp chế tài chính phải hết sức quan tâm. "Việc xây dựng thể chế về tài chính phải đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phải có tầm nhìn. Khi một chính sách mới được ban hành phải có hiệu quả, tránh hình thức. Việc tổ chức các hội nghị đối thoại phải đúng đối tượng, tránh việc người đáng mời lại không mời, người không đáng mời lại mời" - Thứ trưởng Trương Chí Trung nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trương Chí Trung, ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết sẽ lĩnh hội tất cả những chỉ đạo mà Thứ trưởng đã nêu ra tại hội nghị. Sau hội nghị này, Vụ pháp chế sẽ có những chương trình hành động cụ thể, với phương châm là dù cải cách toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm./.

Nhật Minh