Tìm lời giải nâng cao chất lượng tăng trưởng Tháo bỏ những "điểm nghẽn" kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân

Tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi

Thông tin tại cuộc họp báo về Diễn đàn diễn ra sáng 17/9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho hay, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đồng thời cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức. Trong nước, tăng trưởng kinh tế gặp rất nhiều khó khăn với hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm…

Bối cảnh này đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; giải pháp để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Từ quan điểm đó, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" đã được lựa chọn làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.

Năm 2023: Dự báo không hoàn thành 5 chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: D.A

Tại cuộc họp báo, nhận định về tình hình kinh tế năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, thời quan qua, về cơ bản các giải pháp điều hành đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Từ đó, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức phải đối mặt như việc các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại; hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đời sống người lao động bị ảnh hưởng…

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để đạt được mục tiêu tăng trưởng dài hạn thì cần phải tăng cường năng lực nội sinh. Trong đó, vấn đề quan trọng là tăng năng suất lao động.

Dẫn kết quả tăng năng suất lao động đã giảm dần trong hơn 10 năm qua, đặc biệt 3 năm qua kết quả tăng năng suất lao động rất thấp, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, dù các con số tăng trưởng có tốt nhưng tăng năng suất lao động mới thực sự là cái gốc, là vấn đề cốt lõi trong dài hạn.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, báo cáo của Chính phủ ước tính năm 2023 có khả năng hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra, 5 chỉ tiêu còn lại đều phản ánh chất lượng tăng trưởng như là tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP… Trong đó, một chỉ tiêu quan trọng là tăng năng suất lao động chỉ đạt 3,7%, so với mục tiêu đặt ra của năm là 5,6%, mục tiêu cả giai đoạn là 6 - 6,5%. Tỷ trọng công nghệ chế biến chế tạo trong GDP cũng ko đạt được mục tiêu đề ra, trong khi đây là một yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam, cả về chất và lượng.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đây là những vấn đề vừa cấp bách trong ngắn hạn, vừa là thách thức trong dài hạn, cần phải được nhận diện để tìm nút thắt tháo gỡ, khơi thông năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Rà soát các sơ hở, cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề chất lượng thực thi pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã có Nghị quyết 101 giao cho Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội rà soát từ sớm, từ xa về những vướng mắc trong chính sách pháp luật hiện nay.

Trong đó, làm rõ vướng mắc ở khâu nào, ở luật thì trình Quốc hội sửa luật, ở nghị định, thông tư thì Chính phủ, các bộ, ngành phải xử lý. “Chúng tôi đang được giao rà soát trong các mâu thuẫn, vướng mắc có sơ hở, cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật hay không, câu chuyện này đã được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm để xử lý” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Thông tin thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho hay, tại Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên về triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội để rà soát công tác thi hành pháp luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã khẳng định, chất lượng công tác xây dựng pháp luật ngày càng được cải thiện, hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ.

Tuy nhiên, trong một nền kinh tế năng động, đang chuyển đổi thì việc có vướng mắc, bất cập là bình thường, cần rà soát để khắc phục. Với việc triển khai thường niên hội nghị này, những vấn đề, bất cập trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật được kỳ vọng sẽ cải thiện.

Năm 2023: Dự báo không hoàn thành 5 chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: D.A

Liên quan đến sự kiện quan hệ Việt - Mỹ được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện và ảnh hưởng đối với kinh tế Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho hay, trong tuyên bố chung giữa hai nước vừa qua, có tuyên bố hợp tác trong 7 lĩnh vực.

Trong đó, đáng chú ý là có 4 lĩnh vực mới quan trọng. Một là hợp tác về kinh tế số. Hai là hợp tác về công nghệ mới. Lĩnh vực thứ 3 là hợp tác về năng lượng sạch. Theo ông Nguyễn Đức Hiển, để chuyển đổi năng lượng, ngoài công nghệ thì yêu cầu về nguồn lực tài chính là rất lớn, nếu không có nguồn lực từ quốc tế là rất khó khăn.

Thứ tư là hợp tác về chuỗi cung ứng, một vấn đề cũng đang rất được quan tâm. Quan điểm của Mỹ là chuyển dịch dần chuỗi cung ứng về các quốc gia bạn bè (chiến lược friend-shoring).

Với 4 điểm mới này, trên cơ sở đối tác chiến lược toàn diện, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng sẽ mở ra nhiều cơ hội, khai phá những xu hướng mới trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của 4 cơ quan gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Ngoài phiên khai mạc và phiên bế mạc, Diễn đàn gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề. Trong đó, chuyên đề 1 với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và chuyên đề 2 với chủ đề: “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” sẽ diễn ra vào buổi sáng, sau phiên khai mạc. Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” sẽ diễn ra chiều cùng ngày.