Cần thiết yêu cầu doanh nghiệp lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính Dự án 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực 1 luật sửa 7 luật giải quyết đúng, trúng nhiều vướng mắc trong thực tiễn

Đẩy nhanh dòng chảy vốn cho đầu tư công

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong dự thảo lần này, Luật NSNN được sửa để giải quyết những điểm nghẽn, vướng mắc trong thời hạn ngắn. Nhiệm kỳ tới sẽ sửa toàn diện Luật NSNN theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Trong quá trình góp ý, một số đại biểu băn khoăn liệu sửa Luật này có xung đột với Luật Đầu tư công. Giải trình, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bàn rất kỹ để và những sửa đổi tại Luật NSNN và Luật Đầu tư công lần này đều phù hợp.

Nâng mức phạt vi phạm trong kiểm toán độc lập để tăng tính răn đe
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Trước đây, Luật Đầu tư công ra đời nhằm xử lý vấn đề đầu tư dàn trải, phá vỡ chính sách tài khóa. Theo đó, bên cạnh quy định về trình tự, thủ tục, Luật Đầu tư công đã quy định về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) cân đối với kế hoạch tài chính 5 năm, tránh tình trạng không có nguồn vẫn đầu tư, khiến xảy ra việc nợ nần và đồng thời tăng tính hiệu quả của các dự án.

Tuy nhiên, trong năm ngân sách có những khoản tăng thu, tiết kiệm chi được bố trí cho các dự án cần thiết phát sinh mà chưa có trong KHĐTCTH. “Ví dụ, cầu Phong Châu bị sập, nếu không có trong trung hạn thì đương nhiên sẽ không làm được theo luật cũ. Nhưng bây giờ phải dùng nguồn dự phòng ngân sách hoặc nguồn tiết kiệm chi đầu tư để sớm hoàn thành công trình cho người dân đi lại. Rõ ràng đây là vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa đảm bảo điều hành bền vững chính sách tài khóa, nhưng vừa đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực ngân sách” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu ví dụ.

Quan điểm trước đây cho rằng các khoản dự phòng ngân sách, giảm chi, tiết kiệm chi và vượt thu ngân sách phải qua Quốc hội để đưa vào KHĐTCTH, sau đó phân bổ đầu tư công của từng năm thì đương nhiên sẽ trái với Luật NSNN. Do đó, lần này Luật sửa đổi đã quy định rõ ràng, minh bạch và có trách nhiệm một cách cụ thể để điều hành hiệu quả, thông thoáng hơn.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho hay việc sử dụng các nguồn vốn khác này cho đầu tư công vẫn phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của đầu tư công như các dự án thông thường. Do đó, vẫn đảm bảo hiệu quả, tuân thủ quy định.

Liên quan đến vấn đề dự toán đã được Quốc hội phân bổ, có ý kiến đại biểu cho rằng không nên giao Chính phủ điều hành khoản dự toán này. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, vấn đề này đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ đề cập. Ví dụ 1 dự án 19 tỷ đồng cũng phải trình ra Quốc hội hay dự án viện trợ của nước ngoài 21 tỷ đồng cũng trình ra Quốc hội, trong khi đó tổng dự toán Quốc hội đã phê duyệt và không thay đổi. Việc này tốn nhiều công sức, ảnh hưởng đến quá trình điều hành.

Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị khi Quốc hội đã quyết định dự toán tổng thể thì sau đó Chính phủ sẽ điều hành phân bổ từng khoản khi có đơn giá, định mức được phê duyệt. Điều này sẽ cá thể hoá trách nhiệm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm điều hành.

Tài sản đất đai trong liên doanh, liên kết thực hiện theo Luật Đất đai

Thay đổi toàn diện thẩm quyền điều động, quản lý tài sản công

Đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh lần sửa đổi này đã có những thay đổi toàn diện về thẩm quyền điều động, quản lý, phê duyệt.

Trước đây Bộ Tài chính phê duyệt điều chuyển các tài sản nhưng theo luật mới sẽ phân cấp, tài sản thuộc tỉnh thì HĐND tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ, giao UBND tỉnh điều hành quản lý. Tài sản của các bộ ngành thì do Bộ trưởng quyết định.

Bộ Tài chính chỉ quyết định về tài sản điều chuyển từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác, từ địa phương lên Trung ương hoặc ngược lại... Tài sản an ninh quốc phòng thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, vấn đề quản lý điều hành được phân cấp rất rõ ràng.

Liên quan đến đề nghị của đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP. Hồ Chí Minh) về quy định tài sản liên doanh liên kết ở đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng cho hay nội dung này đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Riêng về đất đai thì thực hiện theo Luật Đất đai. Các đơn vị sự nghiệp công lập có quyền liên doanh liên kết để thực hiện các dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ của mình nhưng không được làm mất tài sản công, mất đất.

Về Luật Kiểm toán độc lập, tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) có nêu ý kiến mức phạt mới về vi phạm trong kiểm toán độc lập quá cao, thời hiệu xử phạt quá dài.

Nội dung này được Phó Thủ tướng giải trình nêu rõ, nếu vi phạm về hình sự thì phải bị khởi tố hình sự. Nếu chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm, gây thiệt hại, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội thì phải phạt ở mức cao để răn đe.

Thực tế cho thấy, các mức phạt như luật cũ không đủ tính răn đe. Do đó, với lĩnh vực đặc thù này, Chính phủ đề xuất với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gian lận phát hành trái phiếu... mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự thì phải phạt nặng hơn trước và mở rộng thời hiệu xử phạt lên 5 năm.

Nâng mức phạt vi phạm trong kiểm toán độc lập để tăng tính răn đe
Phiên họp Quốc hội sáng 7/11.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị quy định kiểm toán viên phải tham gia hiệp hội kiểm toán. Theo Phó Thủ tướng, đây là hội tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, chủ yếu bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ về nghiệp vụ đối với thành viên. Nếu cần thiết kiểm toán sẽ tự nguyện vào, việc bắt buộc là chưa thật sự hợp lý.

Trong dự thảo sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập cũng quy định bắt buộc doanh nghiệp quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần làm rõ tiêu chí của doanh nghiệp lớn. Phó Thủ tướng đề nghị việc này giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường./.

Liên quan đến Luật Chứng khoán, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung nội dung không quy định bắt buộc giảm vốn điều lệ khi doanh nghiệp mua lại cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp. Cho rằng đây là đề xuất hợp lý, Phó Thủ tướng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu để quy định theo hướng cho phép cơ quan phát hành mua lại và bán cho chủ sở hữu, không giảm vốn điều lệ.