Dự án 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực 1 luật sửa 7 luật giải quyết đúng, trúng nhiều vướng mắc trong thực tiễn

Xem xét mức xử phạt vi phạm trong kiểm toán độc lập

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo của cơ quan thẩm tra và bày tỏ thống nhất với sự cần thiết phải ban hành luật để sửa đổi 7 luật. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước.

Cần thiết yêu cầu doanh nghiệp lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An)

Về các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) phát biểu đồng tình với các đề xuất tăng cường các đối tượng cần kiểm toán bằng việc bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập. Đó là: “Doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của chính phủ; Doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan”.

Theo đại biểu, Luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua.

Cũng tại Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập vì đã bao quát được việc xử lý đối với vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm. Đó là, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự và ngoài hình thức xử phạt chính thì có thể có hình thức xử phạt bổ sung. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về các quy định tại khoản 2, điều 37 về mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt là 5 năm vì có một số điểm chưa phù hợp như: mức độ tương đồng với các luật, lĩnh vực liên quan, mức xử phạt chi tiết tăng cao nhiều lần…

Thời gian qua, khi điều tra, xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn thịnh phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực.

Do đó, đại biểu đồng tình cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào thì cần cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung với các lĩnh vực khác, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị.

Đề xuất bổ sung quy định về quyền sử dụng đất trong liên doanh, liên kết

Quan tâm đến lĩnh vực quản lý sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh liên kết. Trong khi hiện nay, nhiều bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh liên kết với các đơn vị, tổ chức xây mới cơ sở hạ tầng, và trang thiết bị y tế trên khuôn viên của bệnh viện.

Cần thiết yêu cầu doanh nghiệp lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP. Hồ Chí Minh)
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tại điểm c khoản 3 điều 58 quy định: “ Đối với tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định giá trị thương hiệu để góp vốn liên doanh, liên kết được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan”.

Ngoài việc được sử dụng các tài sản công theo quy định để đưa vào liên doanh liên kết thì quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định vì trường hợp xây dựng mới cơ sở trên khuôn viên đất của bệnh viện thì quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị liên doanh liên kết đảm bảo quyền lợi cho bệnh viện, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp y tế là một tài sản vô hình lớn, được hình thành, bao gồm nhiều yếu tố: từ truyền thống, tầm nhìn, hạng bệnh viện, uy tín, chất lượng điều trị, chuyên môn của đội ngũ bác sĩ và sự nhận biết từ phía người bệnh đối với cơ sở y tế... Như vậy, Luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được xác định thẩm định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trường hợp nào được sử dụng xác định pháp luật về sở hữu trí tuệ,…

Về Luật Chứng khoán, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, khoản 4 Điều 56 Luật hiện hành về quyền của thành viên bù trừ chứng khoán Việt Nam là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh mà không thực hiện bù trừ, thanh toán cho giao dịch chứng khoán cơ sở.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm phù hợp với thông lệ quốc tế; hiện 80% cơ chế đối tác bù trừ trên thế giới đã cho phép các ngân hàng làm thành viên bù trừ.

Quy định này cũng đảm bảo ghi nhận quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng được quyền làm thành viên bù trừ và không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Vì vậy, đại biểu tán thành việc sửa đổi bổ sung quy định này tại khoản 16 Điều 1 của Luật Chứng khoán lần này, nhằm góp phần làm rõ hơn nội dung quy định của luật hiện hành theo hướng cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm với vai trò bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Với mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi vào năm 2025, việc cho phép các ngân hàng được làm thành viên bù trừ của cơ chế đối tác bù trừ trung tâm theo thông lệ quốc tế là cấp thiết để Tổ chức xếp hạng xem xét, đánh giá trong kỳ xếp hạng gần nhất (3/2025), đại biểu nhấn mạnh.

Đồng thời, để bảo đảm nội dung này được thực thi thuận lợi, đáp ứng thông lệ chung và yêu cầu nâng hạng nhưng vẫn đảm bảo đảm chặt chẽ, tránh rủi ro phát sinh cho các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình thực hiện bù trừ, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ, sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế vận hành phù hợp trong quá trình các ngân hàng này tham gia trên hệ thống đối tác bù trừ trung tâm./.