Nét đẹp Tết phương Nam
Mâm ngũ quả với hàm ý một năm mới "Cầu vừa đủ xài" của người phương Nam. Ảnh: TL

Tết để nhớ về cội nguồn tổ tiên

Từ xưa đến nay, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” là một nét đẹp văn hóa giàu tính nhân văn của người Việt Nam. Đối với người phương Nam cũng thế, Tết trước hết phải nhớ đến cội nguồn truyền thống gia phong của dòng tộc, song song với đó là việc giáo dục cho con cháu về truyền thống tốt đẹp mà ông bà tổ tiên đã tạo dựng để lưu truyền cho thế hệ sau gìn giữ.

Trước Tết, các thành viên trong gia đình, cả người già, người trẻ đều tập trung đến nghĩa trang để dọn dẹp và chỉnh trang phần mộ của ông bà tổ tiên, dân gian gọi việc làm ý nghĩa này là “tảo mộ”, đây cũng là nghi lễ đầu tiên trong phong tục rước ông bà về ăn Tết của người dân phương Nam.

Phong tục truyền thống vẫn được nuôi dưỡng

Tết phương Nam cơ bản vẫn còn nguyên nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Những phong tục ấy thể hiện tính cách điển hình của người dân nơi đây luôn biết ơn tổ tiên, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, Ngày nay, một số người chọn đi du lịch, du Xuân đầu năm mới, nhưng những phong tục truyền thống vẫn được nhiều gia đình gìn giữ trọn vẹn.

Theo đó, tục rước ông bà về ăn Tết mang ý nghĩa tâm linh lâu đời và là dịp để thế hệ sau tạ ơn cái gốc và nhớ tới cội nguồn của dòng tộc qua việc báo cáo trước ông bà tổ tiên về những thành quả sau một năm lao động, thành kính với các bậc tiền nhân cả chuyện vui, chuyện buồn, việc làm ăn buôn bán và cả việc cưới gả con cháu…

Với người phương Nam, ông bà tổ tiên như những vị gia thần hiện diện trong nhà, dõi theo mọi việc làm, nhắc nhở con cháu giữ lấy truyền thống tốt đẹp của dòng họ tổ tiên như: giữ nếp sống thanh bạch, truyền thống hiếu học, chăm chỉ làm ăn, sống lương thiện, không làm chuyện thất đức... Đó là nét văn hóa truyền thống mà người phương Nam luôn cố gắng giữ gìn bao đời nay.

Mâm ngũ quả mang hàm ý độc đáo

Với ý nghĩa như vậy, việc chuẩn bị bàn thờ và mâm cúng lễ ông bà tổ tiên trong ngày Tết được người dân phương Nam rất coi trọng. Từ lúc sớm tinh mơ ngày 30 Tết, các thành viên trong gia đình đều tập trung chuẩn bị đón Tết. Phụ nữ sắm sửa bánh mứt, chế biến các món ăn cho mâm cơm ngày Tết, cánh đàn ông chuẩn bị đồ thờ cúng, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ để đón ông bà tổ tiên.

Trong tục cúng rước ông bà, người phương Nam đề cao việc chữ nghĩa, do đó, mâm ngũ quả trên bàn thờ phải đủ các loại trái cây như mãng cầu ta (quả na), dừa, đu đủ, xoài… với hàm ý một năm mới chỉ mong “Cầu vừa đủ xài”. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng và cặp dưa hấu ruột đỏ tượng trưng cho tài lộc, vỏ xanh tượng trưng cho hi vọng của gia chủ.

Một điều khác biệt, đối với người miền Bắc, chuối xanh là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả thì với người dân phương Nam lại kiêng kỵ, bởi phát âm vùng miền thì loại quả này có âm giống từ “chúi” thể hiện cho sự nguy khó hay đi xuống. Bên cạnh đó, quả cam cũng ít được người phương Nam bày biện trên mâm ngũ quả vì họ cho rằng sẽ không may mắn như câu “quýt làm cam chịu” hoặc quả lê sẽ đồng nghĩa với từ “lê lết”…

Về tên gọi mâm ngũ quả có ý nghĩa sâu xa chính là 5 yếu tố Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Từ xa xưa, 5 yếu tồ này được cho là đã cấu thành nên vũ trụ trong quan niệm của người Việt nói riêng và của văn hóa Á Đông nói chung.

Những món ăn “mặc định” vị Tết

Nét đẹp Tết phương Nam
Theo truyền thống, Tết là thời điểm gia đình, họ hàng sum vầy. Ảnh: TL

Đất phương Nam với sản vật phong phú, bao đời nay đã nức danh là chốn gạo trắng nước trong, món ngon không chỉ nhiều, kiểu cách chế biến thập phần đa dạng, mà còn hàm chứa ý nghĩa mong muốn sự may mắn, tròn đầy qua tên gọi.

Trong mâm cơm hay mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình phương Nam, không thể thiếu món canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt với ý nghĩa những gì chưa trọn vẹn hay không vui trong năm cũ sẽ trôi qua, để đón chào một năm mới với nhiều niềm vui và may mắn. Vì vậy, với món canh khổ qua nhồi thịt, chẳng những là món ăn thể hiện mong muốn mọi điều chưa vui sẽ qua, mà còn có tác dụng bồi bổ, đem lại sự thanh mát, dễ chịu cho người thưởng thức mà lại rất phù hợp với tiết trời trong ngày Tết ở phương Nam.

Nhiều người con phương Nam phải đi làm xa xứ hay nói rằng, tết của phương Nam bắt đầu từ mùi thơm của món thịt kho tàu đậm vị và món thịt kho tàu cũng chính là món không thể thiếu trong mâm cỗ dâng cúng ông bà. Bên cạnh đó là các món như chả lụa, heo quay, dưa món, hay rau xào,… cũng được người phương Nam chuẩn bị chỉnh chu.

Miền Bắc có bánh chưng, miền Nam đón Tết với bánh tét. Khác với bánh chưng miền Bắc được gói vào ngày 30 Tết, thì với phương Nam bánh tét sẽ được gói vào ngày mồng 2 Tết, bánh được luộc trong đêm để mồng 3 dâng bánh tiễn chân ông bà. Loại bánh này từ bao đời nay đã trở thành linh hồn Tết của người phương Nam./.