Ngành Dự trữ Nhà nước đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia

Ngày 11/7/2024, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và xây dựng chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đã xuất cấp hơn 51 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia

Từ đầu năm đến ngày 30/6/2024, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp không thu tiền hàng dự trữ quốc gia với tổng giá trị khoảng 716,4 tỷ đồng, trong đó Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất cấp 51.631 tấn gạo, trị giá khoảng 687 tỷ đồng.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Vũ Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, ngành DTNN đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ, bám sát chương trình kế hoạch và đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể như: Tổ chức xuất cấp kịp thời đảm bảo số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia (DTQG) để phục vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh với tổng giá trị hơn 700 tỷ đồng. Trong đó: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng trị giá hơn 11 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng xuất hàng trị giá gần 18 tỷ đồng; Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã xuất cấp lương thực trị giá hơn 680 tỷ đồng.

Cũng trong nửa đầu năm 2024, ngành DTNN thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động DTQG, phân bổ kế hoạch 2024, chuyển nguồn, tổ chức triển khai đấu thầu mua gạo thuộc kế hoạch năm 2024; thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng và bảo quản, bảo vệ an toàn hàng DTQG.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030. Đồng thời, tích cực chuẩn bị tài liệu để trình Chủ tịch Hội đồng tổ chức cuộc họp thẩm định Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành DTNN, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận chúc mừng những kết quả mà công chức, viên chức của Tổng cục DTNN và các đơn vị quản lý DTNN thuộc các bộ, ngành đã đạt được trong nửa đầu năm 2024.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong đó: công tác giải ngân thực hiện nhiệm vụ DTQG còn chậm như: chi thường xuyên, đầu tư xây dựng và một số nhiệm vụ khác; công tác mua hàng DTQG nhất là vật tư, thiết bị chưa đạt tiến độ; công tác tham mưu trong xây dựng cơ chế chính sách như xây dựng các thông tư còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về dự trữ quốc gia

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong 6 tháng cuối năm 2024 đặt ra đối với ngành Tài chính nói chung và hệ thống DTNN nói riêng là khá nặng nề. Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp nêu ra tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị Tổng cục DTNN cần tập trung làm tốt một số nội dung.

Theo đó, ngành DTNN tiếp tục tăng cường xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách về DTQG, tạo hành lang pháp lý đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Về công tác nhập, xuất hàng DTQG, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong ngành DTNN tập trung hoàn thành 100% kế hoạch nhập hàng để tăng cường nguồn lực DTQG; thực hiện bảo đảm công tác nhập, xuất, mua, bán, thanh quyết toán hàng DTQG công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Tăng cường nghiên cứu, đánh giá tình hình và dự báo, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính để chuẩn bị lực lượng DTQG và các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, bảo đảm DTQG chủ động, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Thứ trưởng Lê Tấn Cận cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương thức quản lý về xăng, dầu DTQG nhằm tận dụng được các điều kiện sẵn có về kho tàng, công nghệ (về bảo quản hàng, về phương thức mua, cơ chế ký hợp đồng quyền mua, thuê bảo quản hàng), nhân lực có chuyên môn sâu, qua đó phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước.

Tổng cục DTNN tăng cường rà soát, xây dựng kế hoạch hàng DTQG đảm bảo sát thực tế, tránh tình trạng nhiệm vụ đã được bố trí kinh phí nhưng không thực hiện được phải hủy dự toán, chuyển nguồn dự toán, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước, không đảm bảo mục tiêu DTQG theo quy định.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Tấn Cận, Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách cho biết, Tổng cục DTNN sẽ cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác của ngành DTNN, làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 và các năm tiếp theo.

"Toàn ngành DTNN sẽ tập trung, phát huy kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, khắc phục các tồn tại, hạn chế; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao" - ông Vũ Xuân Bách nhấn mạnh../.

Ngành Dự trữ Nhà nước đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

ÔNG HOÀNG VĂN QUYẾT - VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH PHÁP CHẾ, (TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC): Hoàn thiện quy định về phân công đấu thầu mua vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia

Hiện nay Vụ Chính sách pháp chế được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN thay thế Quyết định số 350/QĐ-TCDT ngày 2/6/2021 về "Quy định trình tự, phân công trách nhiệm trong mua vật tư, thiết bị DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý".

Dự thảo một số điểm cơ bản như sau: Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN là người có thẩm quyền, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thực hiện các trách nhiệm quy định tại Luật Đấu thầu và văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN căn cứ: Lợi thế về từng mặt hàng của các Cục DTNN khu vực; khả năng hoàn thành nhiệm vụ tổ chức công tác đấu thầu để lựa chọn và ban hành quyết định giao cho một hoặc một số cục DTNNKV làm chủ đầu tư, bên mời thầu để tổ chức thực hiện nhiệm vụ lựa chọn nhà thầu mua một (hoặc một số) mặt hàng vật tư, thiết bị nhập kho DTQG.

Ngành Dự trữ Nhà nước đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

BÀ KHIẾU THỊ HƯƠNG – VỤ TRƯỞNG VỤ TÀI VỤ QUẢN TRỊ, (TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC): Đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả

Nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính nội ngành, nâng cao hiệu quả chi dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng cuối năm 2024 của Tổng cục DTNN, cần điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao. Tuyệt đối không tự điều chỉnh dự toán chi NSNN được giao từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác không đúng thẩm quyền.

Đồng thời, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không đề xuất, phê duyệt và thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi NSNN làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên. Cùng với đó, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm để tiết kiệm kinh phí. Điều chỉnh dự toán đợt 2 năm 2024 phù hợp, kịp thời, thực hiện báo cáo và công khai điều chỉnh dự toán đảm bảo thời gian và quy định./.