nh

Các ngân hàng hiện đang đối diện với nợ xấu tiềm ẩn do nhiều lý do khác nhau

Nghị quyết 42 sắp hết sứ mệnh

Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực trong 5 năm, bắt đầu từ 15/8/2017 đến 15/8/2022. Theo đó, chỉ còn khoảng 1 năm nữa thì văn bản quan trọng liên quan đến xử lý nợ xấu này của giới ngân hàng sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình.

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro cũng như thông qua các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Nghị quyết 42 từ khi ra đời được coi như “bảo kiếm” của các ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong việc thu hồi nợ xấu. Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ khi có Nghị quyết 42, thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến. Nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các tổ chức tín dụng, bàn giao tài sản để các tổ chức tín dụng xử lý phát mại và thu hồi nợ…

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 đã tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm. Điều này đã khiến cho bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm hơn trong việc trả nợ và phải hợp tác với các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn tài sản bị phát mại.

Với những tính chất trên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, việc xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ đã tăng đáng kể so với trước, chiếm 39,28% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý. Con số này cao hơn khá nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012 - 2017 (là khoảng 22,8%).

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,54 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Khoảng trống trước mặt

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về việc đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, tạo cơ sở pháp lý và các cơ chế xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở đề cương ban đầu, dự thảo luật đề cập một số vấn đề quan trọng trong xử lý nợ xấu: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; chuyển nhượng tài sản bảo đảm…

Việc chuẩn bị pháp lý là vậy, nhưng dự thảo luật để có thể ban hành và có hiệu lực sẽ còn phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu lấy ý kiến, trình dự thảo lên các cấp từ Chính phủ đến Quốc hội, chờ Quốc hội thảo luận để thông qua, ban hành… Theo các chuyên gia pháp luật, thời gian để một dự thảo văn bản luật đang ở giai đoạn như trên đến khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành có thể phải mất ít nhất 2 năm nữa. Theo đó, Nghị quyết 42 khi hết hiệu lực vào tháng 8/2022 và Luật Xử lý nợ xấu chưa thể hoàn thành kịp thì giới ngân hàng cũng sẽ đối mặt với một bài toán khó về hành lang pháp lý trong xử lý nợ xấu.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI cho biết, khả năng luật mới có thể ban hành trước khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực là gần như bất khả thi vì hiện các bước soạn thảo luật còn ở giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, tình huống xử lý cho việc lấp “khoảng trống” có thể có nhiều kịch bản. Kịch bản thứ nhất là có thể Quốc hội cho kéo dài Nghị quyết 42 thêm một thời gian nữa, ngoài ra, kịch bản nữa là khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì các ngân hàng sẽ phải xử lý nợ xấu theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bối cảnh pháp lý là vậy, trong khi các ngân hàng hiện đang đối diện với nợ xấu tiềm ẩn do nhiều lý do khác nhau. Trong đó, tình hình dịch Covid-19 nếu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp có thể sẽ khiến nợ xấu gia tăng do các khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.

Ngoài ra, Ths. Nguyễn Thị Diễm Hiền, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, nhiều khoản vay dưới chuẩn vẫn không bị phân loại nợ lại theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, nhưng các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý đến các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu này.

Đã xử lý hơn 353 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến hết tháng 5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cuối năm 2020. Lũy kế từ 15/08/2017 đến hết tháng 5/2021, các tổ chức tín dụng và VAMC đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).
Mục tiêu xây dựng dự thảo Luật Xử lý nợ xấu là kế thừa chính sách tại Nghị quyết số 42 đã được triển khai một cách hiệu quả trên thực tế; xây dựng các chính sách mới tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định về xử lý nợ xấu. Luật mới cũng hướng tới giải quyết những vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản luật ngành ngân hàng với các văn bản luật khác liên quan.

Chí Tín