Tốc độ triển khai chậm

Gói hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, cả 2 văn bản này cũng được ban hành trong tháng 5/2022.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại khá thận trọng khi thực hiện với quan điểm, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Theo đó, các ngân hàng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu phía Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. Ảnh: H.L
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu phía Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. Ảnh: H.L

Đến thời điểm này sau 3 tháng triển khai, theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, các ngân hàng mới triển khai thực hiện với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Tình hình cụ thể tại từng ngân hàng thương mại cũng cho thấy, việc triển khai tại hầu hết các ngân hàng đều khá chậm so với kỳ vọng. Tại ngân hàng Agribank, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến nay đạt 1.900 tỷ đồng cho 361 khách hàng, số tiền hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng. VietinBank triển khai được khoảng 6.000 – 8.000 tỷ đồng cho 171 khách hàng. Vietcombank thực hiện được 400 tỷ đồng dư nợ cho 52 khách hàng. BIDV thực hiện được 4.650 tỷ đồng cho 20 khách hàng…

Đó là tình hình triển khai ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Với các ngân hàng cổ phần khác: Ngân hàng ACB mới triển khai được với mức dư nợ 244 tỷ đồng, cho 63 khách hàng. Ngân hàng TMCP Nam Á triển khai được mức dư nợ 770 tỷ đồng cho 17 hồ sơ. Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho biết chỉ có 30 khách hàng gửi hồ sơ vay và ngân hàng mới giải quyết hỗ trợ cho vay được 3 khách hàng.

Nhiều vướng mắc phát sinh

Trao đổi về những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng đã chia sẻ khá nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó, có những yếu tố liên quan đến các quy định pháp lý dẫn đến người thực hiện có thể có tâm lý e ngại sợ làm sai.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, một trong những yêu cầu đề ra trong Nghị định 31 là việc hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện với khách hàng đã gặp khó khăn và “có khả năng phục hồi”. Tuy nhiên, việc đánh giá “có khả năng phục hồi” là điều khó, bản thân ngân hàng có quy định nội bộ để xác định nhưng mỗi ngân hàng có thể có cách đánh giá khác nhau. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sau này khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, quyết toán có thể cũng có quan điểm khác với các ngân hàng.

Một số nội dung khó xác định có thể xem xét, tháo gỡ vướng mắc

Theo quan điểm của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều quy định trong Nghị định 31 thể hiện trên cơ sở dẫn chiếu lại các nội dung tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, nội dung yêu cầu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là nhất quán với các chính sách khác. Các cơ quan chức năng khi xây dựng văn bản luật và chính sách cũng hướng đến mục tiêu định hướng người dân chuẩn chỉnh việc thực hiện các thủ tục cần phải làm (đăng ký kinh doanh) để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, một số nội dung có tính chất khó xác định (như khả năng trả nợ, khả năng phục hồi...) cũng là những yếu tố đáng cân nhắc, xem xét để có phương án tháo gỡ trong thời gian tới.

Trong khi đó, một trong những vấn đề khác dẫn đến các ngân hàng lẫn khách hàng có tâm lý sợ sai là không xác định được đối tượng một cách rõ ràng với trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành nghề. Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, thực tế có nhiều khách hàng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong số các lĩnh vực đó có lĩnh vực thuộc phạm vi được hỗ trợ. Tuy nhiên, ngân hàng khi thẩm định chi phí thì cũng không thể xác định rõ được bao nhiều phần trăm chi phí khách hàng đã dành cho ngành nghề này, bao nhiêu cho ngành khác. Đây là một khó khăn cho ngân hàng khi xác định mục đích sử dụng vốn vay để giải quyết cho vay đối với khách hàng.

Do có những yếu tố chưa rõ ràng nên tâm lý e ngại không chỉ với các ngân hàng mà ngay cả khách hàng vay vốn cũng ngại ngần việc thực hiện xin vay vốn. Theo đại diện một số ngân hàng, ngân hàng thậm chí đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ. Tuy nhiên, rất nhiều khách từ chối tham gia do tâm lý e ngại nếu có sơ suất khi vay vốn sau này có thể gặp rắc rối khi thực hiện các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán…

Trong khi đó, thực tế cũng có những đối tượng đúng về “tình” nhưng sai về “lý”, cụ thể là những hộ kinh doanh nhưng chưa đăng ký kinh doanh. Theo phản ánh của các ngân hàng, lực lượng này khá đông đảo, đầy đủ các yếu tố có thể được vay vốn, nhưng theo quy định tại Nghị định 31 thì đối tượng được hỗ trợ lãi suất phải có đăng ký kinh doanh (trừ trường hợp là cá nhân). Để khắc phục những vướng mắc với các đối tượng này, đại diện một số ngân hàng cho biết đề nghị cơ quan chức năng cho phép tháo gỡ bằng cách có thể thay yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh bằng xác nhận việc hoạt động kinh doanh của chính quyền địa phương hoặc hiệp hội ngành nghề.