Chi đầu tư hơn 38 nghìn tỷ đồng cho cả giai đoạn

Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, cần tăng tỷ trọng chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong tổng chi ngân sách cho lĩnh vực y tế.

Về bảo đảm kinh phí NSNN cho lĩnh vực y tế, Bộ Tài chính cho biết, đối với chi đầu tư phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Ngân sách nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực y tế
Ngân sách nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực y tế.

Trong đó, quy định phân bổ nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ mục tiêu về y tế, dân số, gia đình, sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong 5 năm này ngành Y tế được phân bổ 24.135,4 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn NSNN. Trong đó, các dự án thuộc bộ, cơ quan trung ương quản lý là 10.945,7 tỷ đồng, các dự án địa phương quản lý là 13.189,7 tỷ đồng.

Thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, hằng năm Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN theo tổng mức vốn và cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện.

Bên cạnh nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị: “Bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước và thuốc điều trị Covid-19”.

Đồng thời, cho phép “sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; quan tâm lồng ghép hiệu quả và đẩy nhanh giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương”.

Như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025 (bao gồm cả vốn đầu tư trung hạn và vốn chương trình phục hồi) lên tới 38.135 tỷ đồng, chưa kể các nội dung chi cho y tế được lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chi thường xuyên cho y tế chiếm 6,81% tổng chi thường xuyên của ngân sách

Đối với chi thường xuyên, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế là 310.557 tỷ đồng, chiếm 6,69% tổng chi thường xuyên của NSNN, tăng bình quân 8,3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân chi thường xuyên NSNN (5,1%/năm).

Ngân sách nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực y tế
Ngân sách nhà nước đã tăng chi cho lĩnh vực y tế, đặc biệt thời điểm dịch Covid-19.

Trong 3 năm 2021 - 2023, để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổng chi thường xuyên lĩnh vực y tế bố trí dự toán NSNN 3 năm đạt 226.264 tỷ đồng, bằng 73% mức chi cả 5 năm giai đoạn trước (tương đương tăng gần 1,3 lần so với điều kiện bình thường), chiếm khoảng 6,81% tổng chi thường xuyên của NSNN (tăng 0,11% về tỷ trọng so với 5 năm trước).

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%, áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Như vậy, quán triệt Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua NSNN vẫn luôn ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm thu hút các nguồn lực xã hội và các nguồn tài chính khác tham gia đầu tư cho lĩnh vực y tế cũng đã được thực thi, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, chữa trị cho người bệnh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bố trí chi thường xuyên hơn 226 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực y tế

Bộ Tài chính cho biết, trong 3 năm 2021 - 2023, để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổng chi thường xuyên lĩnh vực y tế bố trí dự toán ngân sách nhà nước 3 năm đạt 226.264 tỷ đồng, bằng 73% mức chi cả 5 năm giai đoạn trước (tương đương tăng gần 1,3 lần so với điều kiện bình thường), chiếm khoảng 6,81% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (tăng 0,11% về tỷ trọng so với 5 năm trước).