Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối, phối hợp với doanh nghiệp và các đơn vị bàn giao gạo tại huyện Củ Chi vào lúc 23h ngày 27/9/2021. Ảnh: Khánh Huyền

Giao gạo theo phương thức “tay ba”

Thông tin từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), tổng cục đã ký các hợp đồng mua 75.413,486 tấn gạo với các doanh nghiệp để xuất cấp cho 9 tỉnh, thành phố, hỗ trợ cho hàng trăm nghìn người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, 3 doanh nghiệp gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Phát Tài; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (XNK) Thuận Minh và Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An trúng thầu lần lượt 2 gói 25 nghìn tấn gạo và 1 gói 25,413 nghìn tấn gạo.

Tổng cục DTNN cho biết, hình thức đấu thầu gạo lần này được tổ chức theo Điều 26 của Luật Đấu thầu năm 2013. Tại các hợp đồng đã được ký kết quy định rõ trách nhiệm của các bên, như: Doanh nghiệp cung cấp gạo chịu trách nhiệm vận chuyển gạo đến trung tâm các quận, huyện, thị xã của các địa phương tiếp nhận; chịu trách nhiệm tuyệt đối về tiêu chuẩn chất lượng gạo theo quy định trong quá trình vận chuyển từ kho của doanh nghiệp đến khi hoàn thành việc giao, nhận cho địa phương…

Toàn bộ số gạo dự trữ hỗ trợ người dân được giao cho các địa phương theo phương thức giao nhận tay ba (3 bên): cục DTNN khu vực, doanh nghiệp cung cấp gạo và địa phương nhận gạo hỗ trợ.

Cũng trong ngày 24/9, Tổng cục DTNN có các công văn hỏa tốc gửi UBND 9 tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau có kế hoạch tiếp nhận, phân bổ số gạo nêu trên và chỉ đạo các cơ quan của địa phương có liên quan phối hợp với các cục DTNN khu vực và doanh nghiệp để tổ chức thực hiện.

Tổng cục DTNN cho biết, chất lượng gạo hỗ trợ địa phương lần này được thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng gạo dự trữ quốc gia xuất kho, quy định tại Thông tư số 78/2019/TT-BTC quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia (QCVN 06:2009/BTC).

Giao gạo tới tay người dân sớm nhất

Với phương châm bảo đảm gạo hỗ trợ đến tay người dân trong thời gian sớm nhất, Tổng cục DTNN đã quán triệt đến các cục DTNN khu vực được giao làm đầu mối phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị được UBND tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo hỗ trợ và các doanh nghiệp cung cấp gạo có kế hoạch xuất kho, vận chuyển, giao nhận gạo theo đúng kế hoạch tiếp nhận của các quận, huyện, thị xã.

Theo ông Nguyễn Minh Trí – Cục trưởng Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh, ngay sau khi có quyết định phân bổ của UBND thành phố, đơn vị đã kịp thời thông báo kế hoạch tiếp nhận gạo của địa phương cho doanh nghiệp cung cấp gạo để thống nhất về thời gian, kế hoạch giao nhận gạo.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực

Căn cứ quy định của hợp đồng và nhiệm vụ đã được phân công, yêu cầu các đồng chí cục trưởng cục dự trữ nhà nước khu vực chủ động, quyết liệt tìm mọi giải pháp để tổ chức thực hiện giao nhận gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố; đáp ứng yêu cầu về thời gian, hiệu quả, tiết kiệm, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Cục trưởng cục dự trữ nhà nước khu vực quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị về ý nghĩa chính chính trị của công tác xuất cấp gạo hỗ trợ người dân, yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Các đơn vị tập trung, bố trí cán bộ có năng lực, có tinh thần trách nhiệm để triển khai thực hiện nhiệm vụ. (Công văn số 1574/TCDT-QLHDT của Tổng cục Dự trữ nhà nước).

“Căn cứ tiến độ, thời gian giao gạo của doanh nghiệp cho UBND (theo từng quận, huyện, thị xã,...), đơn vị đã chủ động thông báo cho địa phương để bố trí tiếp nhận gạo; đồng thời huy động toàn thể các bộ của đơn vị phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương tiếp nhận để thực hiện kiểm tra, giao nhận gạo; thực hiện lấy mẫu gạo tại nơi địa phương nhận gạo, lập biên bản ký kết bàn giao mẫu gạo cho địa phương để đối chiếu so sánh”- Cục trưởng Nguyễn Minh Trí cho hay.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Khoa – Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ chia sẻ, chưa bao giờ đơn vị được giao nhiệm vụ xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân với khối lượng lớn, thời gian ngắn như vậy và cũng gặp nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình, tiến độ bàn giao.

“Đợt này đơn vị sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn, hợp đồng giao gạo 15 ngày (từ ngày 24/9 đến 8/10) nhưng mất khoảng 3 ngày cho công tác chuẩn bị. Hơn thế nữa khối lượng thực hiện rất lớn, riêng Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ làm đầu mối, phối hợp với doanh nghiêp giao cho TP. Hồ Chí Minh 25 nghìn tấn, cho tỉnh Bình Dương hơn 2.963 tấn” - Cục trưởng Khoa cho biết.

Theo ông Khoa, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đơn vị cũng có người nhiễm Covid-19 nên rất khó khăn trong việc giao nhận ở 2 địa phương có tới 20 trung tâm. Một nghịch cảnh nữa, đơn vị vừa thực hiện hỗ trợ địa phương giao tới cả phường, xã nhưng để giải phóng hàng và giao nhanh thì đường đi vào trung tâm tiếp nhận lại chật hẹp (có 1 trung tâm có tới cả hơn 10 điểm giao).

Theo hợp đồng, đợt này giao hàng không phải lấy gạo từ kho dự trữ quốc gia mà giao nhận tay 3 với doanh nghiệp trúng thầu tại trung tâm... Do vậy, việc phối hợp và kiểm tra chất lượng hàng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nếu thực hiện kiểm tra chất lượng gạo tại nơi giao nhận thì mất rất nhiều thời gian trong khi địa phương đang cần nhận hàng gấp, xe chở hàng cũng mong giải phóng nhanh còn quay đầu. Để khắc phục khó khăn này, đơn vị đã chủ động cùng doanh nghiệp thống nhất xây dựng mẫu trước, với sự giám định của Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh - đơn vị có đủ chức năng thực hiện kiểm định hàng, nên khi giao nhận việc kiểm tra đối chiếu rất nhanh chóng và thuận lợi.

Đơn vị cũng đã động viên doanh nghiệp vận chuyển và cung cấp gạo hỗ trợ (theo quy định của Thông tư số 51/2020/TT-BTC thì gạo được giao đến các trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố) nhiều nơi giao tới tận phường, xã.

Thực tế, đối với địa phương thực sự rất khó khăn vất vả bởi vì khi nhận với số lượng gạo rất lớn, bao 50kg phải bốc xuống và chia ra nhiều túi nhỏ theo định mức 5, 10, 15kg/túi, sau đó bố trí lực lượng phát gạo tới tận nhà, tận ngõ, hẻm (vì giãn cách ai ở đâu ở yên đó hoặc khóa chặt đông cứng).

Số lượng gạo cụ thể được cấp cho từng địa phương

Để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp gạo hỗ trợ các địa phương, Tổng cục DTNN đã yêu cầu các cục DTNN khu vực: TP. Hồ Chí Minh, Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ phối hợp với doanh nghiệp bàn giao gạo cho các địa phương. Cụ thể: giao Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ làm đầu mối, phối hợp với các doanh nghiệp bàn giao 27.963,905 tấn gạo cho các địa phương, cụ thể: TP. Hồ Chí Minh 25.000 tấn do Công ty TNHH Phát Tài cung cấp; Bình Dương 2.963,905 tấn, do Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cung cấp.

Giao Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối, phối hợp với các doanh nghiệp bàn giao 31.555,660 tấn gạo cho TP. Hồ Chí Minh, gồm: 22.427,234 tấn do Công ty cổ phần XNK Thuận Minh cung cấp và 9.128,426 tấn do Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cung cấp.

Giao Cục DTNN khu vực Cửu Long làm đầu mối, phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An để bàn giao 7.399,392 tấn gạo cho các địa phương, cụ thể: tỉnh Vĩnh Long 1.000 tấn; tỉnh Đồng Tháp 4.883,465 tấn; tỉnh Tiền Giang 1.515,927 tấn.

Giao Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ làm đầu mối, phối hợp với các doanh nghiệp để bàn giao 8.494,529 tấn gạo cho các địa phương, trong đó: Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cung cấp 5.921,763 tấn gạo để giao cho các tỉnh: Kiên Giang 428,943 tấn; TP. Cần Thơ 3.615,49 tấn; tỉnh Cà Mau 1.877,33 tấn; Công ty cổ phần Thuận Minh cung cấp 2.572,766 tấn cho tỉnh An Giang.

Đức Minh