Cán bộ hải quan tham gia tập huấn về kỹ năng kiểm tra phát hiện ma túy. Ảnh: Mạnh Quân
Năm 2020, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong ngành Hải quan cần có bước chuyển mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Kế hoạch về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong địa bàn hoạt động hải quan...” - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) Nguyễn Văn Lịch cho biết.
Phát hiện, bắt giữ hơn 150 vụ buôn lậu ma túy
Lãnh đạo Cục ĐTCBL cho hay, thời gian qua, với vai trò là thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, lực lượng hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và nước ngoài liên tiếp triệt phá thành công các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Theo thống kê sơ bộ, tính từ đầu năm tới tháng 11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ hơn 150 vụ, 147 đối tượng, thu giữ: 19,2 kg và 764 bánh heroin; 1.668 kg và 308.539 viên ma túy tổng hợp; 24,3 kg cần sa; 21 kg thuốc phiện; 4 kg cocain…
Bên cạnh thành quả đạt được, nhìn lại năm 2019, lãnh đạo Cục ĐTCBL cho rằng, qua các kết quả đấu tranh chuyên án, vụ án và thông tin của hải quan các nước cho thấy tình hình vận chuyển trái phép ma túy liên quan đến lĩnh vực hải quan vẫn diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng. Tội phạm ma túy đã nghiên cứu, lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa, áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, kiểm tra hàng hóa, hành lý, phương tiện, chính sách tạo thuận lợi trong khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp làm bình phong để đưa ma túy từ khu vực “Tam giác vàng”, Lào và Campuchia về Việt Nam hoặc sản xuất ngay ở trong nước để tiêu thụ và trung chuyển đi các nước thứ ba.
Trong khi đó, công tác phòng chống, phát hiện ma túy trong ngành Hải quan còn nhiều bất cập cần nhanh chóng khắc phục trong năm 2020.
Có thể chỉ ra một số hạn chế như nhận thức về trách nhiệm phát hiện ma túy ở các cấp chưa đầy đủ, chưa được quán triệt sâu vào tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan; chưa khai thác, phát huy có hiệu quả các phương tiện máy soi, máy phát hiện ma túy, máy kiểm thể, chó nghiệp vụ trong công tác kiểm soát ma túy; còn để lọt ma túy qua khu vực kiểm soát hải quan.
Ngoài ra, công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy giữa lực lượng hải quan với các ngành còn có một số tồn tại, hạn chế, hiệu quả chưa cao. Cơ chế phối hợp hoạt động trao đổi thông tin giữa hải quan và cơ quan chức năng (công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển) còn nhiều bất cập, mới chỉ thể hiện trên các văn bản và mang tính hình thức. Việc trao đổi và phản hồi thông tin nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhất là những thông tin liên quan đến đối tượng, đường dây, tổ chức tội phạm ma tuý hoặc kết quả xử lý các vụ việc, tang vật liên quan đến tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới đã bắt giữ.
Công tác phối hợp trong quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy mà chủ yếu là tiền chất ma túy mới dừng lại ở mức kiểm soát trong các khâu xuất, nhập khẩu, chưa quan tâm đến việc quản lý, sử dụng, tiêu hao, tồn đọng trong các khu vực kiểm soát hải quan mà tội phạm ma tuý có thể lợi dụng điều chế, sản xuất ma tuý tổng hợp...
Nâng cao trách nhiệm ở các khâu nghiệp vụ
Nhằm tiếp tục đưa công tác chống buôn lậu ma túy vào chiều sâu hiệu quả, theo lãnh đạo Cục ĐTCBL, nhiệm vụ phòng, chống ma túy là của toàn ngành Hải quan, không chỉ của riêng lực lượng chuyên trách. Kiểm soát phát hiện ma túy phải được tăng cường triển khai và là trách nhiệm của tất cả các công chức ở các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan (từ tiếp nhận hồ sơ phân tích rủi ro, phân luồng, giám sát, kiểm tra, kiểm định). Trong thời gian tới, cán bộ công chức trong ngành Hải quan cần nghiêm túc thực thi các chỉ đạo đã được nêu tại Chỉ thị số 4550/CT-TCHQ (ngày 2/8/2018) và Kế hoạch 4575/KH-TCHQ (5/7/2019) của Tổng cục Hải quan về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong địa bàn hải quan.
Cụ thể, toàn ngành cần tập trung chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả phát hiện ma túy qua công tác tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại các chi cục hải quan.
Công chức hải quan ở các khâu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan khi thực hiện quy trình, bên cạnh việc phục vụ cho thông quan hàng hóa, cần phải đặc biệt chú ý việc phát hiện ma túy; rà soát các loại chứng từ hải quan để phát hiện ra các mâu thuẫn, nghi vấn về làm giả hồ sơ hoặc mâu thuẫn giữa hồ sơ khai báo về hàng hóa, về tuyến đường, về phương thức vận tải, thanh toán, tính chất, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa có nguy cơ cao vận chuyển, cất giấu ma túy..., nhất là từ khu vực liên quan đến “Tam giác vàng”, Nam Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan... Trong quá trình tác nghiệp, công chức hải quan cần chú ý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gia công, sản xuất xuất khẩu có quy mô vừa và nhỏ tham gia xuất nhập khẩu hoặc làm dịch vụ xuất nhập khẩu khai báo các mặt hàng có giá trị thấp, không chịu thuế hoặc thuế suất thấp hoặc được khuyến khích xuất nhập khẩu, miễn kiểm tra hải quan... để làm vỏ bọc vận chuyển ma túy; chú ý kiểm tra người làm thủ tục hải quan (không phải chủ hàng, người đại diện hoặc nhân viên doanh nghiệp hoặc sử dụng giấy tờ có nghi vấn...).
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi vấn các cán bộ đề xuất và quyết định chuyển luồng để kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa và báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền xử lý kịp thời. Khi hồ sơ đang ở bước tiếp nhận, kiểm tra, nếu có thông tin, yêu cầu phối hợp của lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy trong ngành Hải quan và cấp có thẩm quyền thì công chức hải quan có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu và đảm bảo bí mật.
Tại các chi cục hải quan, đơn vị chuyên trách sử dụng chó nghiệp vụ phải xây dựng kế hoạch, tổ chức và sử dụng đưa chó nghiệp vụ vào hoạt động thường xuyên gắn với quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát thực tế các lô hàng, phương tiện, hành khách, hàng hóa trọng điểm về ma túy. Khi phát hiện, bắt giữ ma túy qua các phương pháp kiểm tra khác, các đơn vị cũng phải tổ chức đưa chó nghiệp vụ đến tác nghiệp, kiểm tra nhằm huấn luyện, nâng cao khả năng phát hiện ma túy của chó nghiệp vụ.
Năm 2020, Cục ĐTCBL tiếp tục chủ trì, tham mưu giúp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm; hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ, điều động lực lượng, phương tiện của cục và của các đơn vị trong toàn ngành phục vụ công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc về ma túy cho các đơn vị hải quan trong toàn quốc. Đồng thời, Cục ĐTCBL tích cực mở rộng hợp tác song phương và đa phương về lĩnh vực phòng, chống ma túy với hải quan các nước, các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho Hải quan Việt Nam. |
Phương Thảo - Hải Linh