Đoàn công tác của Cục Hải quan Bắc Ninh làm việc với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam
Cơ quan hải quan cử đoàn làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam để nắm bắt, giải quyết kịp thời vướng mắc. Ảnh: Đỗ Quang

Đảm bảo nguyên tắc thống nhất cách hiểu

Thời gian qua, với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, phục vụ người dân và doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng.

Thực tế cho thấy, thủ tục hải quan đa dạng với nhiều loại hình, cùng với điều kiện kinh tế, xã hội không ngừng thay đổi, đòi hỏi thủ tục hải quan và các chính sách phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Ngoài hội nghị đối thoại toàn quốc được tổ chức hàng năm, hội nghị đối thoại chính sách thuế và hải quan giữa Bộ Tài chính với cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam được đặc biệt chú trọng, giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực hải quan, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Các vấn đề, đề xuất của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng luôn được Tổng cục Hải quan nghiên cứu kỹ lưỡng và đều được giải quyết theo nguyên tắc minh bạch, công khai và thống nhất cùng cách hiểu.

Đối với các ý kiến liên quan đến vướng mắc tại văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan hải quan kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.

Để quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, trước, trong và sau mỗi kỳ hội nghị đối thoại, thông qua các kênh, cơ quan hải quan luôn tổng hợp các vướng mắc của doanh nghiệp và đăng tải nội dung giải đáp trên Cổng thông tin điện tử hải quan.

Đặc biệt, sau mỗi kỳ hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc, Tổng cục Hải quan tiếp tục đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các luật khác có liên quan.

Ngành Hải quan đối thoại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc
Hải quan các địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn chính sách cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Lê Thu

Đảm bảo tính khả thi từ khâu lấy ý kiến

Theo kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin năm 2024 của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024 ngành Hải quan sẽ tuyên truyền các văn bản đã ban hành trong năm 2023 của ngành Tài chính gồm 12 văn bản luật, 7 nghị định và 1 thông tư của Bộ Tài chính.

Đối với các văn bản đang trong quá trình soạn thảo, Tổng cục Hải quan cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, quy trình quy chế nghiệp vụ của ngành dự kiến được ban hành trong năm 2024. Theo đó, ngoài việc đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan cũng sẽ tổ chức các hội thảo chung, hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng để bảo đảm văn bản được ban hành có tính khả thi, hạn chế vướng mắc phát sinh khi áp dụng văn bản.

Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan được ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ soạn thảo và đăng tải đề cương giới thiệu nội dung mới của văn bản; thực hiện bài giảng trực tuyến giới thiệu nội dung mới của văn bản và đăng tải bài giảng trực tuyến lên các phương tiện công khai.

Đặc biệt, trong năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030; kế hoạch chuyển đổi số của ngành, hướng tới mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.

Theo đó, ngành Hải quan cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của ngành đến cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp Hàn Quốc để kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện khi hệ thống đi vào hoạt động.

Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng xuất hiện và liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Điển hình trong số đó phải kể đến những thương hiệu nổi bật như Samsung, LG, Huyndai…