Ngành logistics Việt Nam trước thời điểm mang tính bước ngoặt
Ngành logistics Việt Nam trước thời điểm mang tính bước ngoặt. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam năm 2024?

Ngành logistics Việt Nam trước thời điểm mang tính bước ngoặt

Ông Đào Trọng Khoa: Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức từ biến động kinh tế và địa chính trị toàn cầu, nhưng năm 2024, ngành logistics tại Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng.

Theo tính toán sơ bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 có khả năng đạt xấp xỉ khoảng 800 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2023. Đây là cơ sở để ngành logistics Việt Nam gia tăng đóng góp của mình vào GDP. Trong 9 tháng năm 2024, ngành vận tải và kho bãi tăng 11,03% (so với cùng kỳ năm trước), đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đồng thời, ngành này cũng ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Đặc biệt, với sự gia tăng của thương mại điện tử và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng logistics (đường cao tốc, cảng biển tiếp tục được đầu tư hiện đại, hoàn chỉnh), Việt Nam đã củng cố vị trí là trung tâm trung chuyển khu vực. Điều này cũng cho thấy, những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp logistics trong việc ứng dụng công nghệ và hướng tới phát triển bền vững.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp nói riêng, ngành logistics của Việt Nam nói chung sẽ có ưu thế và thách thức ra sao?

Ông Đào Trọng Khoa: Trước mắt, bước sang năm 2025, ngành logistics Việt Nam sẽ có cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới. Những hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trở nên mạnh mẽ hơn, đón đầu làn sóng mới trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, mà Việt Nam được nhận định là điểm đến sáng giá trong khu vực.

Sự kiện FIATA World Congress 2025 (FWC 2025) sẽ đưa Việt Nam lên bản đồ logistics toàn cầu

Sự kiện sẽ có hơn 1.200 - 1.500 đại diện các công ty logistics và sản xuất xuất nhập khẩu toàn cầu đến từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như các hiệp hội ngành hàng quốc tế tập trung về Hà Nội để cùng nhau kết nối, bàn thảo, đưa ra các giải pháp, chiến lược để gia tăng hiệu quả, tính bền vững và khả năng thích ứng cho hoạt động vận tải, giao nhận và logistics toàn cầu.

Quan trọng hơn, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng trong các hành lang kinh tế lớn như: Trung Quốc - ASEAN, Ấn Độ - ASEAN và Hành lang kinh tế Đông - Tây, cũng như hành lang Indo - Pacific (Ấn Độ - Thái Bình Dương), nên đây là lợi thế lớn để ngành logistics phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam cũng đang đối mặt với các thách thức lớn như:

Thứ nhất, biến động chuỗi cung ứng, bởi xung đột địa chính trị và các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước lớn gây gián đoạn luồng hàng hóa và tăng chi phí vận hành.

Thứ hai, áp lực từ các tiêu chuẩn quốc tế, khi quy định của Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) và các tiêu chuẩn về giảm phát thải carbon đặt ra yêu cầu cao đối với các doanh nghiệp.

Thứ ba, cạnh tranh trong khu vực, hiện các trung tâm logistics tại Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan, Malaysia đang gia tăng sức cạnh tranh, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện năng lực nội tại. Yêu cầu số hóa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo tính bền vững sẽ là những nhiệm vụ cấp bách của Việt Nam.

Thứ tư, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, đây không còn là xu hướng mà là tất yếu để duy trì tính cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với đặc thù của nghành logistics có sự tham gia của đa phần (hơn 95%) các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các rào cản về tài chính, nguồn nhân lực luôn là thách thức lớn.

Tóm lại, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt.

Để duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, khoảng 20%/năm trong thời gian tới như kỳ vọng của Chính phủ, trong ngắn ngạn các doanh nghiệp nói riêng, ngành logistics Việt Nam cần tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, để tối ưu hóa hoạt động logistics và giảm chi phí vận hành.

Về lâu dài, cần phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, bao gồm cả cảng biển, đường sắt và các trung tâm logistics; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu toàn cầu hóa và số hóa.

Đặc biệt, ngành logistics Việt Nam cần được cải thiện mạnh mẽ về cơ chế và chính sách tài chính, tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

PV: Ông vừa nhấn mạnh, chính sách tài chính, tín dụng cần có sự thay đổi để tạo điều kiện hơn nữa cho logistics. Vậy các chính sách này cần thay đổi thế nào để hỗ trợ sự phát triển của ngành logistics Việt Nam?

Ông Đào Trọng Khoa: Hiện nay, các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, làm cho doanh nghiệp khó khăn trong giảm chi phí, cũng như huy động vốn để đầu tư trang thiết bị, hệ thống kho bãi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại,…

Chúng tôi đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính như miễn giảm thuế, cung cấp tín dụng ưu đãi để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Đặc biệt, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan quản lý để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp logistics thân thiện với môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Logistics Việt Nam phát triển nhờ sự đóng góp lớn của 3 lĩnh vực

Theo ông Đào Trọng Khoa, sự phát triển ngành logistics Việt Nam năm 2024 có sự đóng góp lớn từ nhiều lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực nổi bật nhất gồm:

Một là, thương mại điện tử (E-commerce), lĩnh vực này đang bùng nổ tại Việt Nam, tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ vận tải, kho bãi và giao nhận, đặc biệt là giao hàng chặng cuối. Việt Nam là một trong 3 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á có quy mô thương mại điện tử lớn nhất, đồng thời thuộc top phát triển nhanh hàng đầu thế giới.

Hai là, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, với nhiều FTA có hiệu lực (17 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt những hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, RCEP, CPTPP...) hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành điện tử, dệt may và nông sản, đã thúc đẩy nhu cầu logistics. Logistics, được biết đến như “xương sống cho thương mại toàn cầu” được thúc đẩy và ngược lại hỗ trợ giúp cho với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng đạt đạt kỷ lục mới 800 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2023.

Ba là, lĩnh vực đầu tư hạ tầng, Chính phủ đã ưu tiên nâng cấp hệ thống cảng biển, đường bộ và thông qua dự án phát triển đường sắt tốc độ cao, tạo nền tảng vững chắc cho ngành logistics phát triển.

Ông Đào Trọng Khoa cho biết, chi phí logistics đã có nhiều cải thiện trong thời gian gần đây. Từ mức 20 - 25% cách đây 10 năm đã giảm xuống còn 16 - 18% cách đây 5 năm (nghiên cứu nhanh của VLA là 16,8%).

Trong giai đoạn 2019 đến nay, chi phí logistics có nhiều biến động, chủ yếu do giá cước vận tải quốc tế tăng cao và không ổn định. Theo nhận định của Hiệp hội Logistics Việt Nam thì trong năm 2025, thị trường tiếp tục có nhiều biến động, nhưng sẽ trong phạm vi dự đoán được, một phần do doanh nghiệp đã dần thích ứng và chủ động hơn.

VLA nhận định, chi phí logistics năm 2025 vẫn sẽ ở mức 15 - 16% so với GDP ở mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương, một phần do cơ cấu nghành hàng thay đổi theo hướng gia tăng giá trị (ngành hàng điện tử, công nghiệp chế tạo, ..) và các nỗ lực cải cách về thể chế, cải thiện về hạ tầng.