Đồng chí Cao Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tài chính thay mặt cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Tài chính ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh tư liệu. |
Ngành Thuế khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Thống kê nhanh về hậu quả của siêu bão số 3 (Yagi) gây ra, trụ sở cơ quan thuế các cấp ở một số tỉnh, thành phố như: TP. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình,... đã bị tốc mái, hư hỏng một số phòng làm việc bị ngập nước, mất điện, mất liên lạc, gây thiệt hại lớn về tài sản...
Bộ Tài chính ủng hộ 1 tỷ đồng giúp đồng bào bị thiệt hại do bão Với tinh thần “tương thân, tương ái” và để kịp thời chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại to lớn của đồng bào và các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, Bộ Tài chính đã phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Tài chính tham gia ủng hộ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do bão lũ. Với tổng số tiền quyên góp được là 1 tỷ đồng, vào chiều ngày 10/9/2024, Bộ Tài chính đã chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chung tay, góp sức cùng các đoàn thể trung ương giúp đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. |
Để khắc phục hậu quả của bão số 3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đã ban hành Công văn 3945/TCT-VP thăm hỏi, động viên và khắc phục hậu quả sau bão số 3. Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đề nghị cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường, ổn định tổ chức để kịp thời triển khai các nhiệm vụ, không để đình trệ công việc, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Các cục thuế địa phương tập trung khắc phục thiệt hại tại trụ sở cơ quan để sớm đưa mọi hoạt động trở lại vận hành. Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng Nguyễn Tiến Trường cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương khắc phục những thiệt hại liên quan trực tiếp đến công việc, phục vụ người nộp thuế, sớm đưa các hoạt động của cơ quan ổn định trở lại.
Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, đã chỉ đạo các chi cục thuế không chủ quan với tình hình thời tiết sau bão sẽ có mưa lớn, cần chủ động các phương án phòng chống để đảm bảo an toàn đối với cơ sở vật chất, máy móc, tài liệu của cơ quan, đơn vị.
Các cục thuế khác như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương…, mặc dù bị ảnh hưởng ít hơn, song cũng đang khẩn trương khắc phục, sẵn sàng hoạt động phục vụ người nộp thuế bình thường từ ngày 9/9.
Hàng hóa, lương thực dự trữ an toàn sau bão
Ông Vũ Xuân Bách - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, ứng phó kịp thời nên hàng hóa dự trữ được đảm bảo an toàn, không có thiệt hại về người. Căn cứ theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục yêu cầu các đơn vị sẵn sàng phương án cấp phát hỗ trợ ngay khi có lệnh.
Theo báo cáo nhanh về ứng phó với bão số 3 của cục DTNN khu vực đóng trên các địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam,... các đơn vị đều giữ đảm bảo an toàn hàng hóa, lương thực, vật tư (DTQG). Tuy nhiên, bão đã gây hư hỏng nặng một số hạng mục công trình nhà làm việc, kho dự trữ của một số cục DTNN khu vực.
Sau khi nhận được thông tin, ngay trong ngày 9/9, đoàn công tác của Tổng cục DTNN do Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Anh làm Trưởng đoàn đã đến thị sát tại một số đơn vị thuộc cục DTNN khu vực: Đông Bắc, Hải Hưng,.. để kiểm tra tình hình thiệt hại, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Ông Lê Văn Dương, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Bắc cho biết, đơn vị đã chuẩn bị lực lượng thường trực 24/24h và các trang thiết bị phục vụ phòng chống bão. Sau cơn bão, toàn bộ con người và hàng hóa DTQG vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do bão quá mạnh làm hư hỏng một số nhà làm việc, kho dự trữ.
Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hải Hưng Phạm Ánh Nguyệt cho biết, đơn vị có 16 điểm kho chứa hàng DTQG, trong đó có 11 điểm kho tại Hải Dương và 5 điểm kho tại Hưng Yên. Sau bão số 3 (bão Yagi), các mặt hàng lương thực gạo, thóc đều bảo đảm số lượng, chất lượng, sẵn sàng cấp xuất khi có lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền.
Kho bạc Nhà nước giao dịch ổn định, thông suốt
Ngay sau khi cơn bão số 3, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có Công điện số 06/CĐ-KBNN yêu cầu các đơn vị KBNN bị ảnh hưởng do bão khẩn trương rà soát, xác định các trường hợp bị thiệt hại và tập trung cả nguồn lực để khắc phục với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất.
Thực hiện Công điện, các đơn vị KBNN bị ảnh hưởng do bão đã nhanh chóng báo cáo các thiệt hại và biện pháp khắc phục để đảm bảo “dòng chảy” ngân sách không bị đứt gãy.
Tại Hải Phòng, theo ghi nhận bước đầu, toàn bộ các màn hình LED tuyên truyền bị hỏng. Các đơn vị KBNN quận, huyện đều bị thiệt hại một số tài sản như: đổ tường rào, sập mái, bật mái tôn, hỏng cổng inox tự động ra vào…
Tại KBNN Thái Bình, đơn vị cũng bị thiệt hại một số tài sản. Tại 2 KBNN huyện ven biển là KBNN Thái Thụy và KBNN Tiền Hải sụp đổ toàn bộ nhà đa năng, đổ cây bóng mát, hư hỏng cổng ra vào, tường bao, hệ thống bảng điện tử…
Cũng theo báo cáo từ các đơn vị KBNN, do bão đổ bộ vào đất liền vào ngày nghỉ cuối tuần, nên khi bão tan, toàn bộ lực lượng công chức đã khẩn trương thu dọn, sắp xếp lại trụ sở, kiểm tra lại các đường điện, đường truyền mạng internet nên ngay ngày đầu tuần, mọi hoạt động của KBNN được diễn ra bình thường, các giao dịch ổn định, thông suốt.
Ngành Hải quan đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hầu hết các cửa khẩu vẫn được cơ quan hải quan đảm bảo ổn định, thông suốt trước và sau bão số 3. Bão đã làm tốc mái một số đội thủ tục đóng tại các cảng tại Hải Phòng, một số trang thiết bị máy móc, tài liệu bị hỏng hóc. Đơn vị đang tập trung khắc phục, cơ bản vẫn đảm bảo thông quan hàng hóa thông suốt không để ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Tại Quảng Ninh, hệ thống điện lưới và viễn thông đang từng bước được khôi phục. Cơ quan hải quan tập trung giải quyết thủ tục cho hàng xuất khẩu; hàng nhập khẩu dần thực hiện trở lại sau khi kết nối với hệ thống. Tại Lào Cai, từ chiều 7/9 trở đi, các khu vực trong tỉnh có mưa trên diện rộng, lũ trên sông Hồng vẫn tiếp tục dâng cao. Các đơn vị chức năng tại cửa khẩu đã chủ động các phương án và phân công lực lượng để đảm bảo điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được diễn ra thuận lợi, thông suốt. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 9/9, cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Hồ Kiểu) và Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành) thuộc địa bàn đã phải dừng hoạt động khẩn cấp. Tại Lạng Sơn, hầu hết hạ tầng, cơ sở, trang thiết bị tại các cửa khẩu trên địa bàn vẫn đảm bảo ổn định. Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma - cửa khẩu tiếp giáp gần với tỉnh Quảng Ninh nơi tâm bão Yagi đi qua - đã chủ động phối hợp với các lực lượng kiểm tra an toàn khu vực cửa khẩu, đề nghị doanh nghiệp, lái xe di chuyển các xe hàng vào bãi để đảm bảo an toàn. Chi cục Hải quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh chủ động hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục và vị trí trú tránh bão nên không xảy ra thiệt hại. Tại Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cũng không để xảy ra sự cố, thiệt hại đáng tiếc nào về người và của. Ngay khi các chuyến bay hoạt động trở lại, Chi cục đã khẩn trương làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh diễn ra bình thường, nhanh chóng. |