Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Ảnh: Đức Minh |
Phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai
Ngày 12/9, Công đoàn Bộ Tài chính đã phát động, kêu gọi toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai.
Lễ phát động có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Đức Chi - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Cao Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí lãnh đạo đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, cùng các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Tại buổi lễ, đông đảo lãnh đạo các đơn vị và từng cá nhân trong Bộ Tài chính đã trực tiếp tham gia ủng hộ.
Khẩn trương xuất cấp gạo và hàng hóa hỗ trợ đồng bào vùng lũ Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) vừa có các quyết định xuất cấp gạo, xuồng cứu hộ từ nguồn dự trữ quốc gia cho các Bộ Quốc phòng, Công an để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, giao Cục DTNN khu vực Hà Nội thực hiện xuất cấp không thu tiền 200 tấn gạo dự trữ quốc gia nhập kho năm 2023 để giao cho Bộ Công an 100 tấn và Bộ Quốc phòng 100 tấn tại kho Chi cục DTNN Từ Liêm, Hà Nội. Rạng sáng 12/9, các đơn vị DTNN cũng đã xuất cấp khẩn cấp chống lũ cho Tuyên Quang 5 xuồng, 10 phao bè và 1.000 áo phao. |
Trước đó, Bộ Tài chính đã ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục huy động, triển khai các hoạt động thông qua các tổ chức khác như Công đoàn Viên chức, hỗ trợ xây nhà, cứu trợ các địa phương,...
Ngành Thuế duy trì hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp
Để động viên cơ quan thuế các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngày 10/9, Tổng cục Thuế thành lập đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng dẫn đầu đến Quảng Ninh để chia sẻ và động viên trước những khó khăn, thiệt hại lớn mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Thuế Quảng Ninh và các chi cục thuế phải gánh chịu do bão số 3 gây ra.
Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, trước mắt, thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo mạng lưới công nghệ thông tin hoạt động ổn định và an toàn để phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế.
Thông tin từ Cục Thuế Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên cho biết, song song với việc khắc phục hậu quả của mưa lũ, hiện cán bộ công chức thuế đang tiếp tục chia nhau đi hỗ trợ gia đình cán bộ công chức bị ảnh hưởng của mưa lũ. Hiện tại, hoạt động tại văn phòng các cục thuế vẫn ổn định để phục vụ người nộp thuế.
Đại diện Cục Thuế Bắc Giang cho biết, cơ quan thuế chủ động tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 92 của Chính phủ.
Hoạt động thông quan hàng hóa đang được đảm bảo
Theo cập nhật của phóng viên từ các đơn vị hải quan đóng tại miền núi phía Bắc, hầu hết hoạt động thông quan hàng hóa đang được đảm bảo ổn định tại các cửa khẩu.
Tại Yên Bái, ông Phạm Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Yên Bái cho biết, hiện nay những doanh nghiệp ngoài tỉnh mở tờ khai và làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Yên Bái vẫn diễn ra bình thường. Chi cục đã có phương án bố trí cán bộ, máy móc trang thiết bị và phối hợp với Chi cục Hải quan Phú Thọ để hoạt động mở tờ khai và làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan Yên Bái không bị gián đoạn.
Tại Lạng Sơn, lực lượng chức năng tại cửa khẩu làm việc hết công suất để giải quyết thủ tục thông quan, điều tiết phân luồng phương tiện, đảm bảo an toàn cho con người và hàng hóa. Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, những ngày qua, thông quan hàng hóa tại khu vực các cửa khẩu đều được đảm bảo ổn định. Hải quan Lạng Sơn cũng bố trí cán bộ công chức trực 24/24h.
Tại Lào Cai, sau gần 2 ngày tạm dừng thông quan hàng hoá, từ trưa 11/9, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai được khôi phục trở lại. Còn trên địa bàn Quảng Ninh, hiện nay có 2 cửa khẩu là Hoành Mô và Bắc Phong Sinh đang tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc gặp thiệt hại bởi cơn bão nên bị hỏng hệ thống, đang trong quá trình khắc phục. Dự kiến việc tạm dừng phải đến hết tuần này.
Các đơn vị Kho bạc Nhà nước kịp thời ứng phó với hoàn lưu bão
Để đảm bảo dòng chảy ngân sách thông suốt, không bị đứt gẫy; đảm bảo con người, tài sản, các đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại những nơi bị ảnh hưởng sau bão đã ứng phó rất kịp thời.
Ông Vũ Duy Minh - Giám đốc KBNN tỉnh Nam Định cho biết, KBNN tỉnh Nam Định bị nước tràn ngập hết tầng hầm (đây là nơi tập trung hệ thống điện của cả trụ sở). Trong sáng ngày 10/9, khi mưa ngớt, KBNN tỉnh Nam Định phải ngừng hoạt động để thực hiện các công việc tát nước, vệ sinh phòng ốc và các thiết bị…; chiều cùng ngày, KBNN tỉnh Nam Định đã trở lại hoạt động bình thường.
Chia sẻ về những ảnh hưởng do hoàn lưu bão gây ra, ông Vũ Trọng Cường - Giám đốc KBNN Lào Cai cho biết, để ứng phó với lũ lụt, tất cả các đơn vị KBNN đã cho chuyển toàn bộ các hồ sơ, chứng từ, máy móc, thiết bị điện lên tầng 2. Tuy nhiên, theo ông Cường, hiện toàn huyện Si Ma Cai bị ngập lụt nên điện, nước, mạng internet tại huyện bị mất hoàn toàn. KBNN Lào Cai đã cho chuyển máy phát điện và cử cán bộ xuống cùng KBNN Si Ma Cai để nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm đưa KBNN Si Ma Cai trở lại hoạt động bình thường.
Ước giá trị bồi thường bảo hiểm lên tới 7.000 tỷ đồng do mưa bão Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, ngày 9/9/2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Đồng thời, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão. Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh. Tính đến 17h ngày 12/9/2024, qua con số báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Thông tin từ Cục cho biết, đây mới là những con số sơ bộ ban đầu, trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra dự báo còn tăng, do đó con số về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, cụ thể. |