thue

Trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số cải cách hành chính.

* PV: Thưa ông, báo cáo của Chính phủ vừa qua cho thấy, chưa bao giờ chúng ta đạt được nhiều thành quả như năm nay với dự kiến 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những cải cách mạnh mẽ về TTHC của các bộ, ngành đã hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cũng như uy tín của quốc gia. Trong đó, lĩnh vực nào ông thấy có sự đổi mới, cải thiện trông thấy?

- ĐBQH Đỗ Văn Sinh: 2019 là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát. Thu ngân sách vượt dự toán…

Tăng trưởng GDP phản ánh từ nhiều yếu tố và được tích lũy từ các năm trước. Rõ ràng các năm trước chúng ta đã thực hiện khá tốt thì đến thời điểm này gặt hái được thành công là những kết quả nêu trên.

Do Van Sinh
ĐBQH Đỗ Văn Sinh


Trong các lĩnh vực, tôi thấy lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan đã có những chuyển biến mạnh, đặc biệt là về cải cách TTHC. Kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN), báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu 5 năm 2016 - 2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tăng thu nội địa; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; bội chi và nợ công giảm nhanh...

Nhắc đến cải cách TTHC của khối các bộ, ngành phải nhắc đến kết quả trong nỗ lực cải cách thủ tục về thuế, hải quan của ngành Tài chính. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã sửa đổi nhiều quy định, trong đó có nhiều văn bản tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hoá TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hóa công tác quản lý. Bộ Tài chính đã gắn công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh với công tác cải cách thể chế; kiểm soát chặt việc ban hành mới các TTHC theo quy định; chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp; công khai, minh bạch tất cả các TTHC. Công tác này được triển khai quyết liệt. Nhiều TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ.

* PV: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác cải cách, hiện đại hóa ngành cũng là một trong những điểm mạnh của ngành Tài chính thời gian qua. Ông nhận định về ý kiến này như thế nào?

- ĐBQH Đỗ Văn Sinh: Ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, có thể khẳng định là một bước tiến trong cải cách một cách hiệu quả, thực chất. Như vậy, rõ ràng phương thức quản lý khác đi và chúng ta thu hẹp về đầu mối, sắp xếp lại tổ chức khi cải cách hành chính, cải cách TTHC và ứng dụng CNTT.

Điều đó mang lại hiệu quả rất tốt, không chỉ tiết kiệm được nguồn nhân lực; mà còn kéo theo giảm chi phí quản lý, về trụ sở, chi thường xuyên và đặc biệt hơn là mang lại cải cách thực sự đối với hoạt động nghiệp vụ và giúp phục vụ nhanh hơn đối với các đối tượng chịu tác động là người dân và doanh nghiệp, những người nộp thuế.

biểu đồ

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là khi áp dụng CNTT, không chỉ nhanh hơn mà quan trọng hơn là góp phần minh bạch trong thực thi công vụ.

Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với hàng trăm TTHC từ mức độ 1, 2; cũng như nâng cấp từ mức độ 3 lên mức độ 4 đối với gần 100 TTHC. Cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và hiện đại hóa công tác quản lý ngành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính đẩy mạnh thực hiện. Bộ Tài chính là một trong số những bộ, ngành đi đầu thực hiện tốt công tác này, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

* PV: Những nỗ lực cải cách của ngành Tài chính đã nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp. 71% doanh nghiệp hài lòng với cải cách của cơ quan thuế, hải quan. Ông nhận định về kết quả này của ngành Tài chính ra sao, thưa ông?

- ĐBQH Đỗ Văn Sinh: Những kết quả cải cách của Bộ Tài chính đã góp phần tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Kết quả cũng được thể hiện qua đánh giá về các chỉ số, như: Bộ Tài chính luôn nằm trong tốp đầu của 19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và là bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT index) trong nhiều năm liên tiếp.

Tuy nhiên tôi cho rằng, bộ TTHC chỉ là phần xác, còn phần hồn là hành động tác động đến nó như thế nào, đó chính là ý chí con người. Do đó, cùng với việc cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm các TTHC thì cần sắp xếp lại và đầu tư cho con người. Phải có nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng trong tình hình mới, thì công tác cải cách mới đạt hiệu quả cao nhất. Tôi được biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã quyết liệt trong đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đặc biệt trong ngành thuế, hải quan, kho bạc để phù hợp với yêu cầu quản lý. Đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Công tác tài chính công có nhiều cải cách trong việc huy động và phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính, an ninh tài chính được đảm bảo. Công tác hiện đại hóa ngành Tài chính được coi trọng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong giải quyết TTHC và quản lý.

Những hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp; qua đó, giảm số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội (chi cục trưởng, đội trưởng và tương đương), thanh lọc bộ máy, góp phần cơ cấu lại đội ngũ công chức của ngành Tài chính.

Với những kết quả đạt được, tôi cho rằng ngành Tài chính sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

* PV: Như ông vừa đánh giá, việc nâng dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 và phấn đấu các chỉ số cải cách theo chuẩn ASEAN 4 là nhiệm vụ được nhiều bộ, ngành đặt ra. Theo ông, thời gian tới, Bộ Tài chính cần làm gì để nâng cao chỉ số cải cách, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn?

- ĐBQH Đỗ Văn Sinh: Ứng dụng CNTT tiết kiệm nhiều thứ, kể cả cho cơ quan quản lý lẫn người tác động. Ví dụ bây giờ người nộp thuế có thể giao dịch bất kỳ thời gian nào trong ngày, nộp thuế được triển khai 24/7, bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà không bị bó buộc như trước đó. Việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp và đặc biệt là chống được bệnh tham nhũng vặt.

Tôi cho rằng trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD.

* PV: Xin cảm ơn ông!

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


* Đại biểu Trần Quang Chiểu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội:

Ngành Tài chính sẽ hoàn thành và vượt dự toán được giao năm 2019

Tran Quang ChieuCó thể nói, thực hiện thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2019 đạt 77,5% dự toán, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong một số năm gần đây. Trong 3 năm gần đây, từ 2016 - 2018, lần lượt các mức tăng thu đạt 77,1%, 69,8% và 75,3%.

Theo đó, thu nội địa 9 tháng đạt hơn 75% dự toán; thu nội địa từ thuế, phí tăng cao hơn so với một số năm gần đây. Thu từ 3 khu vực kinh tế có mức tăng khá so với năm trước. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến cũng vượt dự toán do hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước… Đáng chú ý, đây là năm thứ hai thu ngân sách trung ương vượt dự toán đề ra.

Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,8%, cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh…, tôi cho rằng, ngành Tài chính sẽ hoàn thành và vượt dự toán được giao năm 2019.


* Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang):

Kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường

Tran Van LamTrong bối cảnh thế giới biến động khó lường, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nội tại, tôi cho rằng tình hình ngân sách như báo cáo của Chính phủ vừa qua có thể coi là tích cực, đáng khích lệ. Kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường một bước. Cơ cấu ngân sách bền vững hơn. Tổng thu ngân sách cả năm ước vượt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với dự toán; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7% GDP. Đây là một kết quả đáng ghi nhận, năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương cũng là năm thứ hai vượt dự toán.

Những kết quả này cho thấy, ngành Tài chính đã cố gắng rất cao trong việc thu đúng, thu đủ, đảm bảo chế độ chính sách trong lĩnh vực này để huy động cho ngân sách. Trong đó, đặc biệt là cơ quan thuế, hải quan đã tích cực ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa công tác quản lý, vừa đảm bảo chặt chẽ vừa tạo ra thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí và thời gian như triển khai nộp thuế điện tử, hoá đơn điện tử, thông quan điện tử... Các cơ quan này cũng có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại… Chẳng hạn vừa qua tỷ lệ thu hồi nợ đọng thuế đã tăng đáng kể. Mặc dù nợ đọng thuế trên tổng thu ngân sách vẫn tăng nhưng so với sự gia tăng của thu ngân sách thì mức tăng tỷ lệ nợ đọng vẫn thấp hơn mức tăng thu.

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Đoàn chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:

Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt tiết kiệm chi tiêu công

Ng Ngoc PhuongThời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời về tiết kiệm chi tiêu, giảm chi thường xuyên. Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiêu từng lĩnh vực, từ mua sắm tài sản, thực hiện sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ra sao. Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí được ban hành đã bao quát nội dung tiết kiệm trên nhiều lĩnh vực, từ quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước đến tiết kiệm trong doanh nghiệp nhà nước…

Thậm chí gần đây, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. Như vậy, nếu các đối tượng sử dụng tài sản công không đúng mục đích, như sử dụng xe công không đúng mục đích đều bị xử phạt vi phạm hành chính, từ 10 - 20 triệu đồng. Trường hợp sử dụng tài sản công làm quà tặng có thể bị xử phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng…

Những việc làm trên của Bộ Tài chính hết sức rõ ràng, cụ thể và thể hiện vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích và hiệu quả.

Có ý kiến cho rằng, chi thường xuyên đã giảm mạnh nhưng còn chậm. Tôi cho rằng ý kiến này cũng không sai. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng, chi thường xuyên chủ yếu là chi cho con người, chi cho hoạt động của bộ máy, tổ chức, cho nên trong quá trình thực hiện đều phải có lộ trình. Nếu như mức độ chi tiêu trước kia là 100% thì nay đã giảm được 20 - 30% là kết quả đáng khích lệ, còn giảm nhiều thì sẽ gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ nói lãng phí trong xe công, thì nếu thực hiện khoán xe công sẽ tiết kiệm được ngân sách.

Do đó, tôi cho rằng, muốn giảm chi thường xuyên thì phải giảm dần và có lộ trình cụ thể. Điều quan trọng nhất, muốn giảm chi thường xuyên, phải tinh giản biên chế, giảm chi phí về tiền lương, phụ cấp, chi phí cho cán bộ lãnh đạo từ xe ô tô, lái xe, xăng xe…. Đồng thời, cần đẩy nhanh đổi mới cơ chế tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ. Hiện nhiều trường học, bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính hoạt động rất tốt, không cần dựa vào ngân sách.

Tuy nhiên, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đẩy mạnh tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có nơi thậm chí chưa triển khai được vì vướng tổ chức bộ máy, con người. Tôi cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy nhanh, thực hiện quyết liệt hơn, để giảm chi tiêu từ ngân sách, dành nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội và cho con người.

Minh Anh - H.Y (thực hiện)