Ngành Tài chính phát huy thành quả phong trào thi đua yêu nước

Trong bối cảnh dịch bệnh, các đơn vị trong ngành Tài chính như Thuế, Hải quan, Kho bạc... đã nỗ lực thi đua đạt nhiều kết quả khả quan.

PV: Công tác chỉ đạo và phát động các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Tài chính thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Ngô Chí Tùng: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà còn là tấm gương mẫu mực trong những phong trào thi đua. Người nhấn nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những yêu nước nhất”.

Ngành Tài chính phát huy thành quả phong trào thi đua yêu nước
Ông Ngô Chí Tùng

Đối với ngành Tài chính có vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế đất nước, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí vai trò công tác thi đua – khen thưởng, lãnh đạo Bộ Tài chính trong bất cứ thời kỳ nào cũng đều hết sức quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước của ngành. Hàng năm, bám sát các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao, căn cứ đặc điểm tình hình của các cơ quan, đơn vị trong ngành, Bộ Tài chính đã phát động các phong trào thi đua sâu rộng, thường xuyên, thi đua nước rút, chuyên đề với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hành động cụ thể. Đồng thời, Bộ Tài chính tổ chức lễ phát động thi đua và ký kết thi đua giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành; qua đó đã góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan đơn vị, cán bộ, công chức hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Bộ Tài chính đã phát động 5 phong trào thi đua thường xuyên trong toàn ngành. Hưởng ứng các phong trào thi đua của bộ phát động, các đơn vị trong ngành Tài chính cũng đã phát động hơn 500 phong trào thi đua mỗi năm gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.

Phát huy thành quả của những năm trước đó, Bộ Tài chính đã phát động phong trào thi đua yêu nước ngành Tài chính cho cả giai đoạn 2021- 2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, đẩy mạnh phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị xây dựng nền tài chính quốc gia hiệu quả, phát triển bền vững”, đồng thời đề ra 5 mục tiêu cụ thể. Hưởng ứng phong trào thi đua của Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị trong ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch thi đua và phát động các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, đồng thời triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn năm 2021.

Ngoài ra hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Tài chính, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường công tác xây dựng, giới thiệu và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, những tấm gương “Người tốt - việc tốt”, mở các chuyên mục trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử để tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, coi đây nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua - khen thưởng; có kế hoạch để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025.

PV: Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã bùng phát và lan rộng ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua toàn dân chiến thắng đại dịch Covid-19. Bộ Tài chính đã huởng ứng phong trào thi đua đặc biệt này như thế nào?

Ông Ngô Chí Tùng: Dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời tác động rất lớn đến các lĩnh vực quản lý nhà nước trong đó có ngành Tài chính. Để đối phó với tình hình đó, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành hàng loạt các cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

Khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao, Vụ Thi đua – Khen thưởng đã kịp thời trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch triển khai phòng trào thi đua đặc biệt với khẩu hiệu “Ngành Tài chính đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Kế hoạch thi đua của Bộ Tài chính đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng đề ra để phù hợp với đặc thù của ngành Tài chính, đồng thời tạo khí thế và quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phấn đấu xây dựng, phát triển, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách tài chính liên quan đến thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân.

PV: Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính đề ra những giải pháp gì để tạo động lực cho các tập thể, cá nhân trong toàn ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, thưa ông?

Ông Ngô Chí Tùng: Bên cạnh các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đề nghị các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, phù hợp với các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 và những yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng, chống đại dịch…

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và cấp uỷ đảng các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua của đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong việc chỉ đạo phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua được triển khai rộng khắp trong toàn ngành, đạt hiệu quả. Mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua ở cơ sở, luôn gương mẫu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; đồng thời có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác phòng chống dịch.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phong trào thi đua góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
về lĩnh vực tài chính

Kết quả các phong trào thi đua của Bộ Tài chính đã cho thấy hệ thống cơ chế chính sách tài chính ngày càng được hoàn thiện góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính. Cụ thể từ 2016 đến 2020, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua 1 nghị quyết; trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 7 luật, 4 nghị quyết của Quốc hội, 8 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời trình Chính phủ ban hành 1 nghị quyết, 149 nghị định, 43 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 740 thông tư, thông tư liên tịch.

Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước với mức tăng trưởng bình quân 10,05%/năm. Quy mô thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng gấp 1,63 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Chi ngân sách ngày càng được kiểm soát chặt chẽ; nợ công nằm trong giới hạn cho phép; cắt giảm 696 thủ tục hành chính; đơn giản hóa 1.138 thủ tục hành chính; tinh giản bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả với việc cắt giảm được 5.641 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ đội tại địa phương; giảm 4.544 vị trí lãnh đạo quản lý; giảm 4.974 chỉ tiêu biên chế công chức…