Ngày 18/4: Giá dầu thô tiếp tục giảm, gas giao dịch ở mức 1,71 USD/mmBTU
Giá dầu thô hôm nay tiếp tục giảm. Ảnh tư liệu

Giá dầu Brent giảm 0,17% xuống 87,38 USD/thùng

Giá dầu thô giảm 3% trong phiên giao dịch ngày 17/4 vì áp lực từ sự gia tăng hàng tồn kho thương mại của Mỹ, dữ liệu kinh tế yếu hơn từ Trung Quốc và tiến bộ của Mỹ về các dự luật viện trợ Ukraine và Israel.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 3% xuống 87,29 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm 3,1% xuống 82,69 USD. Đây là mức giảm sâu nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 20/3.

Trong phiên giao dịch ngày 18/4, giá dầu thô tiếp tục giảm. Tại thời điểm 7h40 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm 0,17% xuống 87,38 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI gần như đi ngang ở 82,72 USD.

Giá dầu đã giảm trong tuần này khi những cơn gió ngược về kinh tế hạn chế đà tăng từ căng thẳng địa chính trị, trong khi các thị trường đang chú ý xem Israel có thể phản ứng thế nào trước cuộc tấn công cuối tuần vào cuối tuần trước của Iran.

Các nhà phân tích không kỳ vọng cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái chưa từng có của Iran vào Israel sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran.

Trong khi đó, dữ liệu chính thức cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng lên 460 triệu thùng trong tuần trước, gần gấp đôi dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là tăng 1,4 triệu thùng.

Giá dầu tiếp tục giảm sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết văn bản của dự luật hỗ trợ Ukraine, Israel và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được đệ trình vào sáng ngày 17/4, còn dự luật thứ 4 với các biện pháp khác để đối đầu với Nga, Trung Quốc và Iran sẽ được công bố vào cuối ngày.

Giá gas giảm 0,27%

Mở cửa phiên giao dịch sáng 18/4, giá gas tại thị trường thế giới giảm 0,27% ở mức 1,71 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5/2024.

Theo phân tích từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) thị trường khí đốt đang trong đà giảm mạnh của giá thế giới chủ yếu là do nhu cầu sụt giảm tại các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu trước tình hình thời tiết ấm hơn dự kiến do biến đổi khí hậu và mô hình thời tiết El Nino.

Ngoài ra, tồn kho khí đốt liên tục tăng cao đã gây sức ép mạnh lên giá. Tồn kho khí tại Mỹ cao hơn khoảng 5% so với mức trung bình theo mùa. Các kho lưu trữ của châu Âu cũng đã đầy gần 60%, cao hơn 45% so với mức trung bình trong 5 năm.

Mặc dù giá khí thế giới liên tục giảm trong các tháng đầu năm, nhưng giá khí gas trong nước thường có độ trễ nhất định, nên mới chỉ điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng 4. Hơn nữa, nguồn cung và nhu cầu khí gas trong nước thường duy trì ở mức tương đối ổn định.

Hiện nay, bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, đặc biệt tại khu vực Trung Đông đang gây ra khá nhiều rủi ro cho dòng chảy năng lượng thế giới. Trong bối cảnh này, đối với giá khí tự nhiên, đại diện MXV cho rằng, xu hướng chính trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục giảm khi các nước tiêu thụ lớn bước vào mùa nhu cầu thấp điểm, trong khi nguồn cung tương đối dồi dào./.