Giá xăng dầu hôm nay (7-1): Tuần tăng giá đầu tiên của năm 2024
Giá dầu duy trì đà tăng tuần. Ảnh tư liệu

Giá dầu tuần này đã tăng liên tục 5 phiên

Khép lại tuần giao dịch, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giao dịch phi nước đại. Căn cứ theo dữ liệu trên Oilprice lúc 4h30 ngày 7/4/2024 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 86,73 USD/thùng, tăng 0,37% (tương đương tăng 0,32 USD/thùng).

Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 90,86 USD/thùng, tăng 0,57% (tương đương tăng 0,52 USD/thùng).

Giá dầu thô WTI giữ ở mức gần 87 USD/thùng, giá dầu thô Brent giữ khoảng gần mức 91 USD/thùng khi kết thúc tuần giao dịch, ghi nhận mức tăng hơn 4% của cả hai loại dầu trong tuần này.

Giá dầu bắt đầu tuần bằng mức tăng nhẹ chưa đến 1%, được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt bởi OPEC+ và các nhà máy lọc dầu của Nga giảm công suất do bị tấn công.

Ở phiên thứ 2, giá dầu tăng gần 2% do lo ngại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng của Nga gia tăng cùng với xung đột leo thang ở khu vực Trung Đông.

Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng, ngược so với dữ liệu giảm 2,3 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ khiến giá dầu tăng chưa đến 50 cent trong phiên giao dịch ngày thứ 3.

Việc OPEC+ vẫn giữ nguyên quyết định cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày, cùng với nguy cơ gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông khi Iran, nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC, tuyên bố sẽ trả thù Israel sau vụ tấn công làm thiệt mạng nhiều quan chức quân sự cấp cao của nước này tiếp tục đẩy giá dầu leo dốc thêm hơn 1 USD ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Đáng chú ý là trong phiên, đã có thời điểm giá dầu Brent tăng vượt mốc 91 USD/thùng.

Tính cả tuần, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã tăng hơn 4%, ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.

Hợp đồng khí gas tự nhiên giảm 0,84%

Giá gas hôm nay, giảm 0,84% xuống mức 1,76 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5/2024.

Theo Reuters, lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ được hóa lỏng để xuất khẩu đã giảm đáng kể do nhu cầu giảm từ nhà máy Corpus Christi của Cheniere Energy ở Texas và hoạt động Sabine Pass ở Louisiana. Cheniere là nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ và là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới cũng như là người mua khí đốt tự nhiên lớn nhất của Mỹ./.