Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 41 và 76 năm thành lập FAO đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Đại sứ quán Ý tại Hà Nội và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) phối hợp tổ chức ngày 15/10/2021.

Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 41: Hành động hôm nay, tương lai ngày mai
Buổi lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới diễn ra ngày 15/10.

Theo Bộ NN&PTNT, Ngày Lương thực Thế giới năm 2021 với chủ đề “Hành động hôm nay, tương lai ngày mai – Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống”, nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi sang các hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả, đầy đủ, linh hoạt và bền vững hơn.

Đây cũng là sự kiện kêu gọi sự chung tay hành động từ tất cả các ban ngành nhằm đảm bảo rằng hệ thống lương thực thực phẩm có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm với giá cả hợp lý, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng để người dân ở mọi nơi đều được hưởng cuộc sống năng động và lành mạnh.

Năm nay, Ngày Lương thực Thế giới được tổ chức lần thứ hai trong đại dịch Covid-19. Đại dịch này không chỉ làm gián đoạn hệ thống nông nghiệp thực phẩm mà còn gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sinh kế và thu nhập, đồng thời gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và bất bình đẳng.

Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (QU Dongyu) đã đề cập trong bài phát biểu của mình nhân Ngày Lương thực Thế giới 2021, “dù là nhà sản xuất, nhà phân phối hay người tiêu dùng, mỗi người chúng ta đều có quyền tạo ra tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi này”. Tương lai của ngành lương thực – thực phẩm nằm trong tay chúng ta, và chúng ta có thể cùng nhau viết lại câu chuyện, bắt đầu từ ngày hôm nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 14,85% GDP của quốc gia.

Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Hệ thống Lương thực thực phẩm khẳng định rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng và cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.

“Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cũng đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả, năng suất, an toàn thực phẩm. Đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững. Với những định hướng nêu trên, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng với FAO và các đối tác quốc tế triển khai các mục tiêu của Ngày Lương thực Thế giới năm nay, qua đó góp phần đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc” – Thứ trưởng khẳng định.

Ông Francisco Pichon - Giám đốc Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) nhấn mạnh: “Chủ đề của ngày Lương thực thế giới năm nay là “Hành động hôm nay, tương lai ngày mai – Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống” không để ai bị bỏ lại phía sau, Tổ chức FAO và IFAT chúng tôi rất là tự hào là đối tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và người dân Việt Nam để chúng ta đạt được các mục tiêu của Thiên niên kỷ vào năm 2015 cũng như thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, đã đưa Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Những thành tựu của chúng ta chỉ có thể đạt được dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp cũng như các Đối tác phát triển và các đối tác khác và các bên liên quan”./.