gom

Tác phẩm của nghệ nhân Phạm Thế Anh

Đến với làng cổ Bát Tràng vào ngày chớm đông, chúng tôi được nghe người dân chia sẻ về việc Gốm Sứ Bát Tràng và Lụa Vạn Phúc, Hà Đông sẽ là hai làng cổ có nghề truyền thống được Nhà nước đầu tư trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.

Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng đang dần mai một đi, thậm chí “biến mất” trên bản đồ Hà Nội thì làng gốm sứ Bát Tràng vẫn là điểm thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước tới thăm - mua sản phẩm, tạo ra sự kết nối đáng giá cả về mặt văn hóa và kinh tế.

Để tìm hiểu kỹ hơn về con người, văn hóa và những tiềm năng kinh tế của mảnh đất này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân Phạm Thế Anh, người mới đoạt Giải Bạc Festival Huế 2018 tháng 5 vừa qua, anh cũng là Doanh nhân tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương năm 2017.

* PV: Thưa anh, năm 2017 là năm bội thu các danh hiệu cao quý của anh với Danh hiệu bàn tay vàng, Nghệ nhân Hà Nội, Doanh nhân tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương, anh có thể tiết lộ bí quyết để có được thành công này?

- Nghệ nhân Phạm Thế Anh: Cũng như mỗi người con sinh ra tại đây, tôi sớm trở thành một người thợ gốm, lớn lên tôi kế tục truyền thống của cha ông phát triển, kinh doanh các sản phẩm của làng nghề. Các danh hiệu mà tôi đạt được năm 2017 là kết quả của 25 năm lăn lộn với công việc để mưu sinh và tìm ra hướng phát triển cho công ty của tôi trong sự phát triển chung của quê hương. Có lẽ, bí quyết duy nhất tôi có là nhờ vào sự phấn đấu trong suốt thời gian qua và được mọi người lựa chọn đến với các danh hiệu.

ah
Nghệ nhân Phạm Thế Anh

* PV: Năm 2018 anh tiếp tục gặt hái thành công với Giải Bạc Festival Huế vào tháng 5 và tháng 10 là cuộc triển lãm lớn cùng các nghệ nhân Bát Tràng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, ở thời điểm hiện tại, đã là tháng 11, nhìn lại năm qua anh có thấy hài lòng và băn khoăn điều gì?

- Nghệ nhân Phạm Thế Anh: Nếu ở Festival Huế anh em thợ gốm chúng tôi hướng về những sản phẩm theo đề tài: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, thì tới cuộc triển lãm ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, chúng tôi lại được thể hiện những gì độc đáo và riêng biệt nhất của mỗi người. 10 người con của làng Bát Tràng với 10 phong cách khác nhau, ở các độ tuổi khác nhau như một sự tiếp nối, kế thừa và phát triển. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để có 150 tác phẩm gốm sứ trưng bày. Dù vất vả nhưng thành công của cuộc triển lãm đã mang lại niềm hứng khởi và dư âm đẹp đẽ với chúng tôi.

Cũng sau cuộc triển lãm, trở về với những vấn đề thực tại, chúng tôi thấy cần tiếp tục phát triển làng nghề hơn bao giờ hết. Vấn đề đầu tiên, cần thiết nhất cho sự phát triển làng nghề chính là mặt bằng sản xuất kinh doanh. Trong khi làng cổ cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị còn lại, vừa như một bảo tàng sống dành lại cho mai sau, đồng thời cũng là điểm thăm quan cho khách du lịch thì các thế hệ trẻ bắt đầu lớn lên là lực lượng chính kế tục và phát triển công việc của làng đang rất cần có cơ sở hạ tầng vững chắc và họ đang khao khát điều đó.

* PV: Với đặc thù là một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất và kinh doanh thì ngoài vấn đề mặt bằng - cơ sở hạ tầng Bát Tràng có gặp các vướng mắc khác về thuế, nguồn vốn hay không. Các vấn đề này đã được đề xuất lên các cấp, các ngành mong được hỗ trợ, giải quyết chưa, thưa anh?

- Nghệ nhân Phạm Thế Anh: Về thuế chúng tôi xác định là phải có trách nhiệm với Nhà nước và thực hiện đầy đủ không có vướng mắc gì. Nguồn vốn thì bà con nơi đây rất chắc chắn, làm ăn chăm chỉ, tích lũy từ đời này sang đời khác và rất e dè khi vay mượn chỉ có mặt bằng cho sự “phình” ra của làng theo lẽ tự nhiên và cần thiết lại chưa được hỗ trợ.

Chúng tôi cũng đã đề xuất lên các cấp, các ngành và đặt hy vọng lớn vào sự quan tâm của Nhà nước, của thành phố. Khi Thủ tướng về thăm làng đã cho biết: “Chính phủ sẽ tạo cơ chế tốt hơn để làng nghề được quy hoạch phát triển đồng bộ và thuận lợi hơn như kiến nghị của xã Bát Tràng” đã tạo niềm tin, sự hưng phấn và mong mỏi cho bà con Bát Tràng. Mong rằng thời gian tới Bát Tràng sẽ đạt được tâm nguyện để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

* PV: Xin cảm ơn anh!

Thục Nhi (thực hiện)