Xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, các quy định mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập.

Xử lý tài chính rõ ràng, minh bạch

Ngày 25/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 150/2020/NĐ-CP (NĐ 150); về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021, quy định rõ về nhiều vấn đề quan trọng như xử lý tài chính, xác định giá trị ĐVSNCL, quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP…

Trước hết, về xử lý tài chính khi chuyển đổi ĐVSNCL, đối với xử lý nhà đất, để tránh tình trạng không thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất, NĐ đã quy định tách bạch 2 nội dung này.

Cụ thể, đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất: ĐVSNCL phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công - trở thành một điều kiện để được quyết định chuyển đổi.

Đối với phương án sử dụng đất: ĐVSNCL chuyển đổi phải được phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị ĐVSNCL. Quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác định giá trị ĐVSNCL chuyển đổi mà vẫn đảm bảo đầy đủ căn cứ của việc công bố giá trị ĐVSNCL.

Cùng với đó, NĐ cũng quy định rất rõ về hình thức sử dụng đất của ĐVSNCL chuyển đổi. Cụ thể, để phù hợp với quy định của Luật Đất đai trong đó quy định các ĐVSNCL tự chủ tài chính phải chuyển sang hình thức thuê đất, NĐ quy định mọi hình thức (thuê đất trả tiền một lần, Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất hoặc có thu tiền sử dụng đất, đất do ĐVSNCL nhận chuyển nhượng) đều phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Quy định mở hơn trong xác định giá trị

Liên quan đến vấn đề xác định giá trị ĐVSNCL chuyển đổi, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, các ĐVSNCL chuyển đổi chỉ thực hiện 01 phương pháp xác định giá trị là phương pháp tài sản. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, có nhiều phương pháp xác định giá trị một tổ chức kinh tế như phương pháp tài sản, phương pháp chiết khấu dòng tiền, phương pháp so sánh… Tuy nhiên, phần lớn ĐNVSCL chưa áp dụng cơ chế tài chính doanh nghiệp (DN) để đủ điều kiện áp dụng các phương pháp xác định giá trị như DN.

Vì vậy, để đảm bảo tính thận trọng trong quá trình chuyển đổi, đồng thời đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc thù của khu vực ĐVSNCL, ngoài quy định ĐVSNCL phải áp dụng tối thiểu 2 phương pháp như đối với việc xác định giá trị DN, NĐ quy định: Trường hợp chỉ sử dụng 01 phương pháp để xác định định giá trị ĐVSNCL, tổ chức tư vấn xác định giá trị phải báo cáo lý do không đủ cơ sở áp dụng các phương pháp khác để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị ĐVSNCL xem xét, quyết định. “Việc quy định mở trong việc lựa chọn phương pháp xác định giá trị ĐVSNCL như trên giúp các cơ quan lựa chọn các phương pháp xác định giá trị phù hợp với thực tế, đồng thời đảm bảo giá trị phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL chuyển đổi theo nguyên tắc thị trường và không thấp hơn giá trị được áp dụng theo phương pháp tài sản” – Bộ Tài chính lý giải.

Đối với vấn đề xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL chuyển đổi, Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc, việc xác định giá trị phần vốn thuộc chủ sở hữu của một tổ chức kinh tế được căn cứ giá trị tài sản thuần (tổng tài sản trừ đi giá trị các khoản nợ phải trả). Tuy nhiên, việc lập và trình bày báo cáo tài chính của ĐVSNCL và chế độ kế toán DN có nhiều điểm khác nhau, ví dụ: nhiều nguồn kinh phí ngân sách nhà nước tại ĐVSNCL đang được trình bày ở mục “Nợ phải trả”, trong khi các khoản nhận vốn góp liên doanh liên kết lại được trình bày ở “Nguồn vốn kinh doanh”...

Vì vậy, để tránh các sai sót trong việc xác định nguồn vốn do nhà nước sở hữu tại ĐVSNCL, NĐ đã quy định về cách xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL chuyển đổi theo nguyên tắc như sau: “Giá trị thực tế vốn nhà nước tại ĐVSNCL bằng giá trị thực tế của đơn vị trừ (-) các khoản nợ thực tế phải trả, quỹ khen thưởng, phúc lợi, số dư quỹ bổ sung thu nhập chia cho người lao động của ĐVSNCL, các khoản vốn góp của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, nợ thực tế phải trả là tổng giá trị các khoản nợ phải trả trừ (-) các khoản nợ không phải thanh toán”.

8 nhóm đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần

Theo Nghị định 150/2020/NĐ-CP, có 8 nhóm đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chuyển thành công ty cổ phần nếu đáp ứng điều kiện theo quy định. Cụ thể, ĐVSNCL đáp ứng điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần bao gồm:

- ĐVSNCL thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- ĐVSNCL thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- ĐVSNCL thuộc UBND cấp tỉnh;

- ĐVSNCL thuộc thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh;

- ĐVSNCL thuộc UBND cấp huyện;

- ĐVSNCL thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh;

- ĐVSNCL thuộc ĐVSNCL thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh;

- ĐVSNCL thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thiện Trần