![]() |
Nhân lực chất lượng cao là yếu tố cốt lõi để TP. Hồ Chí Minh vươn tầm. |
Doanh nghiệp kỳ vọng và hành động tiên phong
Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) đặt ra tầm nhìn đầy tham vọng cho TP. Hồ Chí Minh: Đến năm 2030, trở thành trung tâm kinh tế số lớn nhất Việt Nam, lọt top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới, tiến tới top 50 vào năm 2045. Đây là ngọn lửa khơi dậy khát vọng bứt phá, các doanh nghiệp công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh đón nhận cơ hội với sự hào hứng và hành động cụ thể.
Các doanh nghiệp công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh ví Nghị quyết 57 như “luồng gió mới”, thổi bay những rào cản cố hữu, mở cánh cửa sáng tạo. Ông Hồ Văn Tâm - Tổng Giám đốc InApps Technology, chia sẻ: “Nghị quyết 57 mang đến những chính sách đột phá như cơ chế sandbox và miễn trừ trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ thất bại. Điều này giúp doanh nghiệp như InApps Technology và startup InCard mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm AI, chatbot, nền tảng kết nối giao thương thông minh”.
Ông Tâm nhấn mạnh, cam kết nâng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên 2% GDP vào năm 2030, cùng sự ra đời của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, sẽ là bệ phóng tài chính để các startup như InCard vươn ra thị trường quốc tế.
Tương tự, ông Hoàng Minh Anh Tú - Tổng Giám đốc Tập đoàn ALTA Group, nhận định: “Nghị quyết 57 mang đến các chính sách thiết thực như giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho R&D, cải cách thủ tục hành chính. Những thay đổi này không chỉ tạo điều kiện cho các dự án công nghệ tiên phong như robot hai chân mà chúng tôi đang phát triển, mà còn xây dựng nền tảng nhân lực chất lượng cao, giúp TP. Hồ Chí Minh cạnh tranh với các trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực”.
Dự kiến sáp nhập TP. Hồ Chí Minh, cùng với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ hình thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ. Với truyền thống “phá rào” và đổi mới sáng tạo, khu vực này dẫn đầu cả nước về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ông Hà Thân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt, các chính sách hỗ trợ cụ thể trong nghị quyết như: tăng cường đầu tư hạ tầng số, dành ít nhất 3% ngân sách hàng năm cho R&D, và trọng dụng nhân lực chất lượng cao... Những thay đổi này tạo nền tảng để doanh nghiệp công nghệ không chỉ tồn tại mà còn vươn tầm khu vực.
Dù lạc quan, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức. Đó là, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin, vẫn còn thiếu hụt. Chỉ khoảng 20% ứng viên IT tại TP. Hồ Chí Minh có trình độ tiếng Anh đủ để làm việc ngay với các dự án quốc tế. Hạ tầng số, dù đã cải thiện, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các dự án lớn như AI hay Big Data, vốn đòi hỏi mạng 5G và trung tâm dữ liệu quy mô.
Ở góc nhìn thực tế, lãnh đạo cần quan tâm hơn đến sản phẩm sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ. Phát triển các sản phẩm AI đòi hỏi chi phí lớn cho hạ tầng và nhân sự, nhưng hiện tại, hạ tầng phải đi thuê với giá cao mà không có quỹ hỗ trợ. Danh mục dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và nguồn vốn đầu tư vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển nhân lực
TP. Hồ Chí Minh, đóng góp gần 27% GDP cả nước, đứng trước cơ hội vàng để củng cố vị thế đầu tàu kinh tế và vươn lên thành trung tâm công nghệ khu vực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng mà Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra, thành phố cần tháo gỡ những điểm nghẽn lâu dài và đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giải quyết trực diện những khó khăn Trước đây, doanh nghiệp thường đối mặt với những rào cản lớn như khung pháp lý thiếu rõ ràng, đặc biệt trong các vấn đề bảo mật dữ liệu liên quan đến AI, hay tâm lý e ngại rủi ro khi triển khai công nghệ mới. Nghị quyết 57 giải quyết trực diện những vấn đề này bằng cách tạo môi trường pháp lý linh hoạt, giảm thiểu thủ tục hành chính và khuyến khích thử nghiệm công nghệ trong không gian sandbox. |
Nghị quyết 57 được các chuyên gia đánh giá là “trúng đích” khi xác định những rào cản trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần sự đồng bộ từ hệ thống chính trị, thay đổi tư duy quản lý từ Trung ương đến địa phương và xây dựng hành lang pháp lý mang tính đột phá. Việc sửa đổi các luật liên quan như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, và luật thuế là cần thiết để tạo cơ chế linh hoạt, khuyến khích nhà khoa học và doanh nghiệp sáng tạo".
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần một ‘hành lang pháp lý mở’ để thử nghiệm công nghệ mới. Nếu áp dụng luật chung, thành phố sẽ bị kìm hãm trong cuộc đua với các đô thị như Bangkok hay Bangalore. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh sự cấp bách của hành động từ chính quyền địa phương để tận dụng thời cơ mà Nghị quyết 57 mang lại, trước áp lực cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt.
Bên cạnh thể chế, nhân lực chất lượng cao là yếu tố cốt lõi để TP. Hồ Chí Minh vươn tầm. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển khoa học, công nghệ, thành phố cần đội ngũ kỹ sư và cử nhân được trang bị kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), cùng ngoại ngữ và kỹ năng mềm.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học phải là nhân tố then chốt. Nghị quyết 57 đã đề ra các giải pháp trọng dụng nhân tài, nhưng cần đồng bộ từ đãi ngộ tài chính, môi trường sáng tạo, đến quyền tự chủ trong nghiên cứu và điều hành doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Việc đầu tư cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và giao nhiệm vụ cụ thể cho nhà khoa học sẽ tạo ra các tập thể nghiên cứu mạnh, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Cần sự vào cuộc quyết liệt Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là lời kêu gọi hành động để TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ điểm nghẽn và bứt phá. Từ việc xây dựng hành lang pháp lý linh hoạt, sửa đổi luật để khuyến khích sáng tạo, đến đầu tư vào nhân lực chất lượng cao, thành phố cần sự đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng nhà khoa học. Như PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định: “Cơ hội đang rộng mở, nhưng thời gian không chờ đợi. TP. Hồ Chí Minh phải hành động nhanh để không bỏ lỡ vị trí trong cuộc đua công nghệ khu vực". |